Mùa quýt ngọt ở Nghĩa Hưng
Cập nhật: 29/11/2021
FPT Long Châu được tôn vinh tại Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng năm 2024
Bến Tre phát triển 10 câu lạc bộ với hơn 430 nông dân tỷ phú
VOV.VN - Tháng 11, 12 hàng năm là thời điểm bà con nông dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nhộn nhịp với vụ thu hoạch quả quýt. Năm nay quýt được mùa, sản lượng lớn, dự báo giá cả ổn định, nhân lên niềm vui cho người nông dân nơi đây.
Trồng quýt được 10 năm và đây là vụ thứ 5 gia đình anh Nguyễn Văn Sử, thành viên HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) được thu hoạch từ loại cây ăn quả này. Vụ trước, với 1,5 ha quýt, gia đình anh Sử thu được 35 tấn quýt ngọt, cho doanh thu khoảng 800 triệu đồng. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sản lượng quýt của gia đình vẫn ước đạt 40 - 45 tấn; với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, ước doanh thu của gia đình năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ đồng. Đây không chỉ là niềm vui đối với gia đình anh Sử, mà còn là niềm vui đối với các thành viên trong HTX.
"Năm nay, gia đình chúng tôi nói riêng và HTX nói chung đến giờ này rất phấn khởi, do năm nay thời tiết mưa thuận gió hòa, cùng trên đơn vị diện tích, sản lượng tăng một gấp rưỡi", anh Sử chia sẻ.
Những năm gần đây, tại bản Nghĩa Hưng, nhiều gia đình đã chuyển đổi từ cây ngô sang trồng quýt ngọt. Trong đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù mất 1 tháng không chăm sóc, bón phân kịp thời, nhưng vườn quýt của các hộ gần như không bị ảnh hưởng lớn.
Anh Nguyễn Văn Phú – một hộ trồng quýt ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên cho biết: "Trong dịch Covid-19 không được ra khỏi nhà, cỏ lên rất nhanh, vườn cây bị sâu bệnh. Khi hết giãn cách, phải thuê 2-3 nhân công đi phát cỏ, bón phân cho cây. So với năm ngoái không bị giãn cách, tôi đi phát chỉ mất 1-2 ngày là xong, năm nay mất nhiều công hơn".
Dễ trồng, dễ chăm sóc và sai quả, cây quýt ngày càng là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Với hơn 10ha cho thu hoạch, năm nay sản lượng quýt ngọt của xã Mường Cơi ước đạt khoảng 300 tấn, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Mặc dù vậy theo các nhà vườn thì vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Với độ ngon, ngọt hơn loại quýt cùng loại trồng từ nơi khác, nên việc tiêu thụ quýt của người dân rất dễ dàng, không lo thương lái ép giá.
Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cho biết, năm 2019, sản phẩm quýt ngọt Nghĩa Hưng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường; Năm 2020, sản phẩm quýt ngọt của HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP và đạt tiêu chí 3 sao. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để trái ngọt này tìm được chỗ đứng trong thị trường nông sản Việt Nam.
"Đầu ra cho sản phẩm, mọi năm, chờ chín tầm 70-90% mới mở vườn bán. Năm nay chín đến đâu, bán đến đấy, thực tế như gia đình tôi năm nay cũng bán được hơn 1 tuần rồi, mỗi ngày vài tạ chứ không để chín rộ như mọi năm. Sản phẩm quýt của HTX chúng tôi tiêu thụ rất dễ, giá cả vẫn đạt 25.000 đồng/kg đổ cho các điểm bán", ông Khanh cho biết thêm.
Hình ảnh cây quýt trĩu quả, vươn mình từ những triền đá cằn cỗi như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của người dân Nghĩa Hưng trong cuộc chiến chống cái đói, cái nghèo. Hiện, quýt ngọt Nghĩa Hưng đang vào vụ thu hoạch, gương mặt ai cũng tràn ngập niềm vui vì quýt được mùa, được giá và tự hào vì chất lượng quýt địa phương./.
Từ khóa: Quýt Nghĩa Hưng, Quýt Mường Cơi, Phù Yên Sơn La
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN