Mua bán nợ xấu theo Nghị quyết 42: Nợ xấu Khách sạn Hoàng Cung và lý sự của hai bên
Cập nhật: 23/09/2020
VOV.VN - Vụ việc mua bán nợ xấu của khánh sạn Hoàng Cung đã được các bên đưa ra tòa sau khi không thống nhất được phương án xử lý. Cả hai bên đều đưa ra những lý lẽ để bảo vệ mình...
Theo nội dung Đơn phản tố của bị đơn Công ty Hoàng Cung: Căn cứ Nghị quyết 42 của Quốc hội, các ngân hàng không có thẩm quyền đem nợ xấu ra bán đấu giá; Nợ xấu của Công ty Hoàng Cung không thuộc tài sản được đem ra bán đấu giá; và bà Định với tư cách cá nhân không được tham gia mua nợ xấu...
Nghị quyết 42 có cấm ngân hàng bán đấu giá nợ xấu cho cá nhân?
Trong Đơn phản tố, phía Công ty Hoàng Cung cho rằng, căn cứ Phụ lục xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 thì khoản nợ của Hoàng Cung đối với các ngân hàng là khoản nợ xấu thuộc nhóm 3. Theo Khoản 2 Điều 6 và Khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết này thì tổ chức tín dụng (TCTD) không có thẩm quyền bán nợ xấu.
Để chứng minh, Đơn phản tố đưa vào ngoặc kép, in chữ nghiêng, để hiểu là trích dẫn nguyên văn Điều 6 Nghị quyết 42: “Chỉ có tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mới được bán nợ xấu cho cá nhân, pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng mua bán nợ”. Từ đó, bị đơn cho rằng, các ngân hàng không phải là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu nên bán nợ xấu cho cá nhân bà Định là trái qui định trên của Nghị quyết 42. Tuy nhiên, Điều 6 Nghị quyết 42 không có chữ “chỉ có” và “mới được” như trích dẫn.
Tranh luận lại, luật sư phía nguyên đơn và ngân hàng khẳng định: Tại Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”, Nghị quyết 42 “qui định thí điểm một số chính sách về mua bán xử lý nợ xấu”. Nên phải được hiểu là Nghị quyết không điều chỉnh tất cả mọi trường hợp mua bán, xử lý nợ xấu. Điều này được chính Nghị quyết thể hiện tại Khoản 1, Điều 17 mà bị đơn cố tình bỏ qua: “1. Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thực hiện theo qui định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có qui định thì áp dụng qui định của pháp luật hiện hành”.
Trong khi đó, về thẩm quyền bán nợ xấu, tại Điều 5 của Nghị quyết qui định rõ: “TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo qui định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ”.
Còn Khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết là điều chỉnh quan hệ mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu với pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ. Ngân hàng không phải là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu nên không thuộc sự điều chỉnh của điều luật. Đây là điểm mới của Nghị quyết, chưa được pháp luật hiện hành qui định.
Trong khi đó, quan hệ mua, bán nợ xấu của Ngân hàng với cá nhân thì đã được qui định cụ thể tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN về hoạt động mua bán nợ của TCTD được NHNN ban hành ngày 17/7/2015. Cụ thể, tại Điều 3, 4 Thông tư này qui định: “3/ Bên bán nợ là TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có khoản nợ được bán theo qui định tại khoản 2 Điều này. 4/ Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ”.
Như vậy, việc ngân hàng bán nợ xấu cho bà Định là căn cứ vào Thông tư 09, đồng thời phù hợp với Khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 42 nêu trên, không trái với qui định của Nghị quyết.
Chính vì vậy, Khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết 42 qui định: “Trường hợp có qui định khác nhau giữa Nghị quyết này và Luật khác về cùng một vấn đề xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì áp dụng qui định của Nghị quyết này”.
Như vậy, không có chuyện chỉ có Tổ chức mua bán xử lý nợ mới được quyền bán nợ xấu cho cá nhân, Ngân hàng hoàn toàn có quyền bán nợ xấu cho cá nhân theo pháp luật hiện hành (theo Thông tư 09).
Việc bị đơn đưa ra dẫn chứng nêu trên để cho rằng, Thông tư số 09 có nội dung trái với Nghị quyết số 42 là không thuyết phục. Nên nhớ, cơ quan soạn thảo Nghị quyết 42 là NHNN, cũng chính là cơ quan ban hành Thông tư số 09.
Khoản nợ xấu của Công ty Hoàng Cung có được bán đấu giá?
Bị đơn lập luận: Căn cứ Luật Đấu giá tài sản thì nếu tài sản là nợ xấu thì chỉ được đưa ra bán đấu giá khi “nợ xấu là của tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn”. Khoản nợ xấu của Công ty Hoàng Cung không thuộc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn nên các ngân hàng đưa ra đấu giá là trái qui định.
Đáp lại, luật sư của nguyên đơn và Ngân hàng ngoại thương dẫn giải: Khoản nợ của Công ty Hoàng Cung tại 3 ngân hàng đúng là không phải tài sản mà pháp luật qui định phải bán thông qua bán đấu giá theo Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản, nhưng lại thuộc trường hợp qui định tại Khoản 2 điều này.
Khoản 2 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản qui định: “2. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục qui định tại luật này”. Chính vì căn cứ Khoản 2 Điều 4 mà 3 ngân hàng thống nhất lựa chọn bán khoản nợ xấu của Hoàng Cung thông qua đấu giá.
Đồng thời, việc bán đấu giá này còn được 3 ngân hàng căn cứ vào Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 09 của NHNN về mua bán nợ có tài sản đảm bảo. Cụ thể: “2. Đấu giá: bên bán nợ thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo qui định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ”.
Bà Định có kinh doanh dịch vụ mua bán nợ?
Phản tố cho rằng bà Định mua nợ xấu là nhằm hướng đến mục đích sinh lợi, nên bà Định cần phải đáp ứng Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 (NĐ 69) qui định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ thì mới được tham gia mua nợ xấu. Tức là bà Định phải thành lập doanh nghiệp “phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng”. Đồng thời căn cứ Điểm b Khoản 7 Điều 3 của NĐ 69, bị đơn yêu cầu Tòa không được xử lý tài sản đảm bảo.
Dẫn chiếu luật, phía nguyên đơn cho rằng, một lần nữa bị đơn lại thể hiện cách hiểu sai lầm, suy diễn về nội dung điều luật. Cụ thể, Khoản 7 Điều 3 NĐ 69 qui định: “Hoạt động mua bán nợ không phải là hoạt động kinh doanh là hoạt động mua bán nợ không liên tục, không nhằm mục đích sinh lợi của tổ chức cá nhân, bao gồm: ... b/ Hoạt động mua nợ không nhằm mục đích mua đi bán lại cho tổ chức, cá nhân, bao gồm cả hoạt động mua nợ để chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xử lý tài sản bảo đảm”.
Bị đơn chỉ căn cứ vào một vế trong câu có nội dung “không nhằm mục đích sinh lợi” để cho rằng bà Định có mục đích sinh lợi nên hành vi của bà là kinh doanh mua bán nợ. Trong khi đó, ai cũng hiểu, tính sinh lợi được điều chỉnh tại NĐ 69 là phải gắn với hoạt động kinh doanh, tức là phải mua đi bán lại các khoản nợ.
Bà Định mua nợ từ phía Ngân hàng để được hưởng quyền đòi nợ đối với Công ty Hoàng Cung và sau đó được hưởng quyền lợi từ quyền liên quan đến các Hợp đồng thế chấp của Công ty Hoàng Cung và do vậy bà Định mua nợ không phải để kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nên không cần phải đáp ứng bất kỳ điều kiện gì.
Pháp luật không bảo vệ, không ai dám mua nợ xấu
Ngoài những nội dung phản tố thiếu căn cứ, thậm chí thể hiện sự cố tình hiểu sai pháp luật, những nội dung phản tố khác của bị đơn đều được phía nguyên đơn và phía ngân hàng tranh luận bác bỏ bằng những căn cứ pháp luật cụ thể được qui định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội, Thông tư số 09 của NHNN và nhiều văn bản pháp luật khác.
Mọi sự đúng sai còn chờ phán quyết của Tòa án.
Và vì đây là vụ kiện chưa có tiền lệ nên phán quyết của Tòa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện mua bán và xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách.
Sau dịch Covid-19, một loạt ngân hàng đang đăng tải thông tin và thực hiện bán đấu giá các khoản nợ xấu, như Agribank, Vietcombank, BIDV...đang được các cá nhân, tổ chức hoặc giới kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ quan tâm. Tuy nhiên, tính rủi ro cao đang là lực cản các nhà mua nợ khi đối mặt với nhiều rủi ro.
Đó cũng đang là thực tế mà bà Định đang phải đối mặt sau khi trúng đấu giá món nợ Hoàng Cung hơn 2 năm 6 tháng nay mà chưa mảy may được thực hiện quyền chủ nợ. Hơn 1 năm nay nhờ Tòa giải quyết, vụ kiện vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Nếu pháp luật không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của những tổ chức, cá nhân mua nợ xấu ngân hàng, dễ hiểu là hành trình làm tan chảy “cục máu đông” mang tên nợ xấu sẽ không bao giờ tới đích, “cơ hội vàng” về xử lý nợ xấu mà Nghị quyết 42 của Quốc hội mở ra ít hiệu quả./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN