Một chính sách hạt nhân mập mờ cần chính quyền mới của Mỹ giải quyết

Cập nhật: 01/02/2021

VOV.VN - Chính sách của Hải quân Mỹ về tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể đe dọa sự ổn định cán cân hạt nhân chiến lược.

Một chính sách hạt nhân mập mờ

Đây dường như là một di sản của một chiến lược được hoạch định trong một thời đại khác, một chiến lược ngày càng trở nên gây tranh cãi khi công nghệ có những bước tiến đột phá. Các chính quyền trước đây đã không thể diễn giải được chính sách thực tế và giữ kín chính sách đó. Việc tiếp tục sự mập mờ, thiếu rõ ràng này có thể là một thảm họa.

Theo Bradford Dismukes - chuyên gia chiến lược, với 30 năm kinh nghiệm tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Center for Naval Analyses - CAN), từng đứng đầu một nhóm hỗ trợ và phát triển chiến lược Hải quân Mỹ - một trong những vấn đề gây tranh cãi lâu nay là chính sách Chiến tranh Chống tàu ngầm Chiến lược (Strategic Anti-Submarine Warfare - ASW) mà theo chuyên gia này, làm cho khả năng leo thang hạt nhân nhiều hơn, chứ không phải ít đi, nếu bị đe dọa trong thời gian khủng hoảng hoặc thực thi trong chiến tranh.

ASW liên quan và đến tất cả việc tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm chiến lược mang tên lửa hạt nhân của đối phương. Trong Chiến tranh Lạnh, ASW chiến lược nhằm trói buộc các lực lượng của đối phương và ảnh hưởng đến cuộc chiến trên bộ, nhưng bây giờ tình hình đã hoàn toàn khác. Dismukes nói: “Ngày nay, người Nga có mọi lý do để coi sứ mệnh chủ yếu là chuẩn bị cho một cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ”.

Cơ sở lý luận của việc đưa tên lửa lên tàu ngầm là để đảm bảo khả năng tấn công đòn thứ hai với tính toán là, trong khi vũ khí trên bộ và trên không có thể bị hạ gục trong một cuộc tấn công bất ngờ, lực lượng dưới nước sẽ sống sót vì không thể định vị được tàu ngầm. Điều này làm cho vũ khí bố trí trên tàu ngầm trở thành chốt chặn cho hoạt động răn đe hạt nhân - thành tố an toàn nhất trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, cũng như của Nga.

Bất kỳ mối đe dọa nào đối với tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của một quốc gia đều khiến nước đó dễ bị tấn công trước và trong thời điểm khủng hoảng, có thể khiến họ phải ra tay hành động trước. Do đó, câu hỏi mà Dismukes đang cố gắng nêu ra là ASW chiến lược có còn là chính sách chính thức của Mỹ không?

“Tôi chưa thấy bất kỳ điều gì trong các văn bản, tài liệu công khai nói rõ ràng ASW chiến lược là ý định hay không phải là ý định của Mỹ. Không có câu trả lời rõ ràng chính thức”.

Chiến lược An ninh Quốc gia cuối cùng được giải mật hoàn toàn là của chính quyền Reagan năm 1986, đã giao nhiệm vụ rõ ràng cho Hải quân với ASW chiến lược. Chiến lược An ninh Quốc gia gần đây nhất, từ năm 2018, chỉ được phát hành dưới dạng tóm tắt và không nói gì về chủ đề này. Mặc dù vậy, hành động còn quan trọng hơn lời nói và xét về các các hành động - Hải quân Mỹ vẫn đang rất nỗ lực trong việc truy đuổi tàu ngầm Nga ở Bắc Cực.

Chẳng hạn, các cuộc tập trận ‘ICEX’ thường xuyên diễn ra, bao gồm tàu ngầm bắn thử ngư lôi vào các mục tiêu dưới lớp băng. “Tôi không thể nghĩ được ngư lôi bắn dưới lớp băng ở Bắc Cực có thể có mục tiêu gì khác ngoại trừ tàu ngầm của Nga. Nếu có những lý do khác để phóng ngư lôi dưới băng, Hải quân đã công bố lý do đó là gì”, Dismukes nhận định.

"Ngoài ra, thực tế là Hải quân Mỹ đã mua các tàu ngầm được gia cố cứng cho các hoạt động dưới băng - điều đó thể hiện một ý định".

Trong thực tế, thậm chí không rõ liệu đã có bất kỳ quy trình ra quyết định nào chưa, hoặc liệu ASW chiến lược có trở thành chính sách mặc định hay không. Dismukes cho biết: “Không ai biết Hải quân xác định vấn đề này như nào - hay nó được chỉ đạo hoặc phê duyệt theo trình tự chỉ huy - hay liệu chính sách chỉ đơn giản là tuân theo logic Chiến tranh Lạnh, được thúc đẩy bởi động lực quan liêu”.

Ngoài ra, mặc dù ASW chiến lược có thể có ý nghĩa chiến lược cách đây 30 năm, nhưng ngày nay thì không. Điều này một phần là do công nghệ đang được cải thiện và khả năng phát hiện tàu ngầm ngày càng tốt hơn. Mỗi bước tiến mới khiến sự uy hiếp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ngày càng nghiêm trọng. “Công nghệ phát hiện tàu ngầm đang phát triển, và điều này có thể gây mất ổn định. Một số người đã nghĩ rằng, người Nga đã có khả năng phát hiện chúng bằng nguyên lý phi-âm (non-acoustic) từ vũ trụ hoặc từ máy bay”, Dismukes đánh giá.

Điều này tương tự như công nghệ phát hiện tàu ngầm bằng radar mà Hải quân Mỹ hiện đang phát triển. Nếu nó thành công, giới lãnh đạo sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan “sử dụng chúng hay đánh mất chúng” - điều sẽ gây nguy hiểm cho thế giới nói chung - bắt đầu từ chính nước Mỹ. Dismukes, các viện sĩ và các nhà phân tích có cùng cùng ý tưởng muốn khuyến khích chính quyền mới nêu rõ liệu ASW chiến lược có còn là chính sách của Mỹ hay không, và nếu còn thì ai là người điều khiển nó.

Vấn đề chính quyền mới cần giải quyết

Mục đích của Dismukes đối với chính quyền mới sẽ là đảm bảo chính sách không bị bỏ quên, điều này ít nhất có thể giảm rủi ro và mở ra đường hướng thảo luận. Dismukes nhận định: “Tuyên bố ở cấp cao nhất rằng ASW chiến lược ít nhất không còn là chính sách nữa. Điều này có thể mở ra khả năng về một hình thức trao đổi hợp tác nào đó với Nga, với mục đích đàm phán một giải pháp ổn định hơn, có lợi cho cả hai bên”.

Dismukes không lạc quan về các cuộc đàm phán như vậy, vì sự mất lòng tin hai bên là cố hữu. Cơ bản hơn, một khi bên kia có khả năng, làm sao có thể tin tưởng họ không sử dụng nó? Các hiệp ước giải trừ quân bị cần có các biện pháp để thanh sát. Vấn đề ở đây là thiết bị được sử dụng cho ASW chiến thuật, phòng thủ có thể được sử dụng với ASW chiến lược, tấn công. ASW chiến lược cũng là một phần của bức tranh lớn hơn về cách các hệ thống phi hạt nhân ảnh hưởng đến chiến tranh hạt nhân.

Hiện tại, quy hoạch hạt nhân của Mỹ chỉ đưa ra nhận thức hạn chế về cách các hệ thống thông thường ảnh hưởng đến cân bằng hạt nhân, ngoài hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Dismukes cũng tin là cần xem xét các, chính sách, công nghệ khác. Điều này có thể bao gồm các tên lửa siêu thanh thông thường (sắp được tích hợp cho tàu ngầm Mỹ), có thể hạ gục các ICBM bố trí trên đất liền và chắc chắn sẽ bao gồm cả ASW chiến lược. Việc không xem xét công nghệ mới có thể dẫn đến tình huống mà một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên được coi là cách duy nhất để đảm bảo "chiến thắng" trong một cuộc chiến, bất chấp mức độ tàn phá gần như không thể tưởng tượng được.

Khi tình hình trở nên phức tạp với việc Trung Quốc phát triển lực lượng răn đe dựa trên tàu ngầm của mình, sự bất ổn như vậy sẽ rất nguy hiểm cho mọi quốc gia. Dismukes cho rằng, để giảm bớt mối nguy hiểm này, phải nhận ra hai yếu tố mà nó bắt nguồn - những tiến bộ trong công nghệ phát hiện tàu ngầm; và một chính sách đáng ngờ, lỗi thời của Mỹ về ASW chiến lược. Chính quyền mới Beiden của Mỹ cần giải quyết vấn đề đó càng sớm càng tốt./.

Từ khóa: chiến lược hạt nhân, chính quyền mới, chính sách đáng ngờ, chiến tranh hạt nhân, cạnh tranh quân sự Mỹ Nga

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập