“Mỏ bé tí, cho khai thác cát 2 năm thì đào cả dòng sông à!”

Cập nhật: 21/08/2024

VOV.VN - “Trước đây tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo anh ơi mỏ 2 năm cấp phép 2 năm nhưng tôi bảo không, chỉ cấp phép 6 tháng. Mỏ bé tí, khai thác cát 2 năm thì các ông đào cả dòng sông à!” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ.

Sáng 12/8, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.

Không để lợi dụng rồi phá hạ tầng và môi trường

Góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, tính thống nhất về hệ thống pháp luật cần rà soát kỹ thêm, đặc biệt với những quy định cụ thể, chi tiết.

Về phân nhóm khoáng sản dựa trên cả công dụng và mục đích quán lý, ông cho rằng, công dụng rõ rồi nhưng phân theo mục đích quán lý rất quan trọng, tùy giai đoạn mục đích quản lý thay đổi, do đó nên giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp yêu cầu quản lý của từng thời kỳ.

Với quy định về quy hoạch khoáng sản và những nội dung còn 2 phương án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chưa nên đóng khung ngay mà cần phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án để thảo luận thêm.

Liên quan đến cấp phép, ông Nguyễn Khắc Định lưu ý tách thăm dò và khai thác. Việc chuyển sang thủ tục đăng ký, đơn giản hóa thủ tục hành chính là tốt, góp phần giải tỏa nguồn vật liệu san lấp cho các công trình quan trọng quốc gia. Tuy vậy, không cẩn thận lại lạm dụng, lợi dụng, dùng cho công trình của quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều, rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần phân loại giữa thăm dò và khai thác, trong đó khai thác phải chặt chẽ hơn, yêu cầu phải theo quy hoạch và có thời hạn, phù hợp quy mô của mỏ khai thác đã thăm dò.

“Trước đây tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo anh ơi mỏ hai năm cấp phép 2 năm nhưng tôi bảo không, chỉ cấp phép 6 tháng. Mỏ bé tí, khai thác cát 2 năm thì các ông đào cả dòng sông à! Phải theo quy hoạch và trữ lượng, thậm chí chỉ được cấp một tháng thôi. Cái nữa là kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng. Tôi bảo ông đào ở đâu thì đào, ở tỉnh tôi phải làm cho công trình quốc gia chứ đào bán ra ngoài tôi không đồng ý” – ông Nguyễn Khắc Định chia sẻ.

Về khu vực đấu giá hay không đấu giá, ông đề nghị nên giao Chính phủ quy định trên cơ sở công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia, cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Xử lý vướng mắc liên quan khoáng sản bô xít

Liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 7, một số đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đề nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thực tiễn quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng làm việc với các Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông.

Trên cơ sở kết quả làm việc, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội “hiện nay, đang có 5 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn”.

Thứ nhất là vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít.

Thứ hai là việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Thứ ba là việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng.

Thứ tư là vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít

Thứ năm là thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.

Theo ông Lê Quang Huy, qua phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, sau khi rà soát, chỉnh lý, dự thảo luật đã có một số quy định (có nội dung liên quan đến Luật Đất đai) để giải quyết các vướng mắc (thứ hai, thứ ba và thứ năm).

Đối với vướng mắc về chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít, ông Lê Quang Huy cho rằng, liên quan đến phương án được lựa chọn quy định tại Điều 16 dự thảo luật.

“Còn với vướng mắc thứ tư, hiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý được vấn đề này vì chưa có quy định khả thi, phù hợp thực tiễn; do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung này” – ông Lê Quang Huy nói.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý một số nơi xảy ra vụ án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến địa chất, khoáng sản. Điều đó cho thấy rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Do đó cần phân biệt rõ từ quy hoạch, thăm dò, khai thác.

Với các vấn đề vướng mắc được cơ quan chủ trì thẩm tra đề cập, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ căn cứ, yêu cầu khi thiết kế các phương án trong dự thảo luật, đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8) thảo luận trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Nhấn mạnh việc đánh giá tác động của chính sách, ông Trần Thanh Mẫn một lần nữa đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

“Xem có nhóm lợi ích nào trong dự thảo luật này không. Trong xây dựng pháp luật phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc. Cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong soạn thảo và thẩm tra” – ông Trần Thanh Mẫn nói.

Từ khóa: khai thác cát, khai thác khoáng sản, khai thác cát, vật liệu xây dựng, nguyễn khắc định, quốc hội, luật,khai thác,khai khoáng,cát,vật liệu

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ngọc thành/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập