Mặt cứng đơ như khối bê tông vì tiêm silicon lỏng “xách tay”
Cập nhật: 25/01/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Bệnh nhân nam N.D.T, 20 tuổi, quê ở Trà Vinh đến khám tại bệnh viện trong tình trạng khuôn mặt bị cứng đơ như khối bê tông, bị sốt, ngực và lưng viêm nhiễm, mụn bọc chi chít.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Thẩm mỹ JW (Quận 1, TPHCM) đã mất nhiều thời gian để xử lý nhiễm trùng cho một bệnh nhân tự mua dung dịch silicon lỏng không rõ nguồn gốc về tiêm, khiến khuôn mặt bị biến chứng, sốt cao và lở loét khắp người.
Bệnh nhân nam N.D.T, 20 tuổi, quê ở Trà Vinh đến khám tại Bệnh viện thẩm mỹ JW trong tình trạng khuôn mặt bị cứng đơ như khối bê tông, bị sốt, ngực và lưng viêm nhiễm, mụn bọc chi chít.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đã mua silicon lỏng được quảng bá là “mỡ nhân tạo nhập từ Thái Lan” có tác dụng làm đẹp thần kỳ, chỉ cần dùng cồn bôi lên vùng da và tiêm vào là căng đầy, đẹp da. Sản phẩm được đựng trong chai nước suối không nhãn mác, có màu trắng sóng sánh như dầu ăn và bán đổ đống với giá chỉ 1 - 2 triệu đồng/500ml. Bệnh nhân còn rủ hội nhóm LGBT và phụ nữ trong xóm cùng sử dụng. Để tiết kiệm chi phí, cả nhóm dùng chung một ống tiêm. Trong quá trình tự tiêm, nếu cảm thấy đau nhức thì dùng cồn lỏng để bôi sát trùng. Bệnh nhân T. cho biết những người này tiêm silicon lỏng như một thói quen. Theo lời kể của T, một người trong nhóm đã tử vong.
Chỉ sau vài tiếng kể từ khi tiêm silicon vào vùng rãnh má và môi, T. sốt cao, co giật, gương mặt ê buốt và sưng phồng. Bệnh nhân được gia đình đưa đến thẩm mỹ viện gần nhà để hút silicon lỏng ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, sau đó tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng hơn, khuôn mặt cứng đờ và sưng to. Gần 3 tháng sau, silicon đã lan rộng hết hai bầu má, khiến mặt cứng đơ, môi hếch, ăn uống khó khăn.
Tại Bệnh viện Thẩm mỹ JW, bác sĩ nhận thấy silicon nổi lợn cợn và lan xa hơn nửa khuôn mặt bệnh nhân, mẩn đỏ và nhiễm trùng. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định mổ khẩn, nạo vét silicon vùng mặt và môi, kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho biết, do silicon đã thẩm thấu từ lớp biểu bì da vào tận mô cơ nên gây viêm nặng. Silicon lan rộng gây tê cứng hoàn toàn vùng miệng, khiến môi căng cứng, sưng to, phồng rộp và bị tím tái. Quá trình bóc tách vô cùng khó khăn vì silicon lỏng, vón cục và hòa lẫn vào mô hoại tử, do đó rất khó để phân biệt. Cả ê-kíp đã phải tỉ mỉ suốt 3 giờ, vét sạch từng chút các mảnh silicon công nghiệp, bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong máu để tránh nguy cơ hoại tử gương mặt. Hiện sức khỏe anh T. đã ổn định và được tiếp tục tiêm truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng./.
Từ khóa: tiêm silicon, biến chứng khi tiêm silicon, silicon xách tay, co giật
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN