Lý do Đặc phái viên Mỹ về Ukraine vắng bóng trong cuộc đàm phán với Nga

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2 thảo luận về chấm dứt xung đột ở Ukraine hoàn toàn vắng bóng ông Keith Kellogg - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Nga và Ukraine.

Khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga diễn ra ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2, sự xuất hiện của đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff khiến dư luận bất ngờ và đặt câu hỏi vì sao lại là ông mà không phải đặc phái viên về Nga và Ukraine Keith Kellogg?

Một số chuyên gia cho rằng điều này liên quan đến lập trường ủng hộ Ukraine và phản đối Nga mạnh mẽ của ông Kellogg. Ông công khai bày tỏ quan điểm thúc đẩy hòa bình qua sức mạnh và các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Ngược lại với ông Kellogg, quan điểm của ông Witkoff về Ukraine và Nga hiện chưa rõ ràng. Có lo ngại rằng ông có thể sẽ dễ dàng đồng ý với các điều kiện của Nga.

Ông Witkoff là người đã dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ngày 15/1. Các các chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng ông Witkoff có thể làm được điều tương tự ở Ukraine.

 “Hiện vẫn chưa rõ ông Witkoff có thể mang lại điều gì cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngoài tình bạn với ông Trump, người ta vẫn chưa biết nhiều về ông Witkoff cũng như quan điểm của ông về vấn đề này”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst, hiện là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương nói với Kyiv Independent.

Đặc phái viên về Trung Đông trở thành người đàm phán chủ chốt với Nga

Hôm 11/2, ông Witkoff đã đàm phán việc trả tự do cho giáo viên người Mỹ Marc Fogel, bị Moscow bắt giữ với cáo buộc mang cần sa vào Nga năm 2021.

Marc Fogel đã được đưa từ Nga về Mỹ bằng máy bay của ông Witkoff.

Sau khi Fogel được trả tự do, Tổng thống Trump ngày 12/2 thông báo ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng ý “ngay lập tức” bắt đầu các cuộc đàm phán để kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Trump cho biết ông đã giao nhiệm vụ cho ông Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và John Ratcliffe, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, dẫn đầu các cuộc đàm phán.

Ông Keith Kellogg hoàn toàn không được nêu tên trong nhóm này.

Các ông Witkoff, Waltz và Rubio sau đó đã đến Riyadh, Saudi Arabia và bắt đầu cuộc đàm phán với phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov dẫn đầu  hôm 18/2.

Tại Riyadh, Mỹ và Nga đã “nhất trí chỉ định các nhóm cấp cao tương ứng để bắt đầu làm việc về lộ trình chấm dứt xung đột Nga - Ukraine sớm nhất có thể”.

Ông Kellogg quá “cứng rắn” với Nga

Theo lịch trình, ông Kellogg tới Kiev vào ngày 19/2 và không tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Nga về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ông Kellogg là đồng tác giả một kế hoạch hòa bình, trong đó sẽ đóng băng tiền tuyến ở Ukraine, đảm bảo Kiev sẽ không gia nhập NATO trong một thời gian dài và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Dù vậy, ông cũng công khai bày tỏ quan điểm rằng Ukraine phải có một vị thế mạnh mẽ khi bước vào bất cứ cuộc đàm phán nào.

Theo đề xuất của ông Kellogg, Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine để ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng tiếp theo của Nga. Kế hoạch này không nói đến việc giảm quy mô quân đội Ukraine hay công nhận các lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát là của Moscow.

“Phía Nga không thích Kellogg vì ông ấy ủng hộ các biện pháp cứng rắn để buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán và đối thoại một cách chân thành. Tôi cho rằng, ông Putin sẽ muốn đảm bảo rằng kênh liên lạc chính giữa Nga và Mỹ sẽ là Putin-Trump, chứ không phải ai khác. Do vậy chắc chắn phía Nga không muốn một nhân vật có quan điểm cứng rắn như ông Kellogg tham gia vào các cuộc đối thoại”, ông Herbst nhận định.

Jenny Mathers, giảng viên về chính trị quốc tế tại Đại học Aberystwyth, Vương quốc Anh, cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng: “Ông Kellogg chắc chắn là thành viên ủng hộ Ukraine nhiều nhất trong chính quyền Tổng thống Trump, mặc dù ông ấy không phải lúc nào cũng ủng hộ tất cả các điều kiện mà Kiev cho là cần thiết để có một hòa bình thực sự và bền vững”.

Theo ông Mykhailo Minakov, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Ukraine tại Viện Kennan, ông Kellogg là “một trong những người nhiều tuổi nhất và giàu kinh nghiệm nhất trong nhóm của ông Trump”.

“Ông ấy mang đến sự cân bằng khi xét đến các lợi ích quốc gia của Ukraine. Ông ấy cũng rất biết cách lắng nghe châu Âu”, ông Minakov nói.

Ông Kellogg thực sự bị gạt khỏi các cuộc đàm phán với Nga?

Một số chuyên gia cho rằng, thực tế đặc phái viên Kellogg đã bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ.

Daniel Hamilton, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, cho rằng “Ông Trump đã nói rằng ông Kellogg sẽ đóng một vai trò, nhưng dường như ông ấy không còn là người dẫn đầu trong các cuộc đàm phán”.

Giảng viên Mathers bình luận: “Dường như ông Kellogg đang được giao nhiệm vụ làm việc với các nước châu Âu, bao gồm cả Ukraine. Trong khi đó, đặc phái viên về Trung Đông Witkoff lại là người được cử đến Moscow. Điều này cho thấy rõ ràng ông Witkoff mới là nhân vật tâm điểm”.

“Ông Kellogg cũng không có tên trong nhóm đàm phán mà ông Trump nêu tên. Đây có thể chỉ là sự thiếu sót, ông Trump có thể đã quên nhắc đến ông Kellogg. Nhưng cho dù là vậy, ông Kellogg rõ ràng không phải là người mà ông Trump nghĩ đến đầu tiên trong việc xử lý các vấn đề với Nga mặc dù ông Kellogg là người được bổ nhiệm làm đặc phái viên về Nga và Ukraine”, ông Mathers bình luận.

Hôm 15/2, ông Kellogg cho biết, ông sẽ tập trung vào các cuộc đối thoại với Ukraine và châu Âu, còn ông Witkoff sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán với Nga.

Từ khóa: Keith Kellogg, Ukraine, Steve Witkoff, đàm phán Nga Mỹ, xung đột Nga Ukraine, những ai tham gia đàm phán Nga Mỹ

Thể loại: Pháp luật

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập