Chuyển đổi xanh nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics
Cập nhật: 1 giờ trước
Gia Lai tập trung phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh kết nối hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
VOV.VN - Theo khảo sát của VCCI, chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là xu thế được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế ưu tiên. Ngành logistics Việt Nam buộc phải chuyển đổi xanh để cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, gặp khó khăn về vốn, công nghệ và thiếu chính sách hỗ trợ.
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội định vị ngành logistics Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp xanh TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, phần lớn các doanh nghiệp logistics là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên nguồn lực để chuyển đổi xanh, nhất là vấn đề chi phí đang là rào cản.
Cùng với đó, hiện hạ tầng logistics chưa đồng bộ, thiếu chính sách hỗ trợ nhất quán; áp lực tuân thủ ESG từ các đối tác toàn cầu… cũng đặt ra đối với doanh nghiệp. Trước thực tế này, rất cần các cơ chế ưu đãi tín dụng, thành lập thêm các quỹ đầu tư xanh và chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bền vững.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu nêu ý kiến, gần như 90% các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, đây là một thách thức vô cùng lớn của việc chuyển đổi xanh và chi phí để chuyển đổi xanh doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế.
Vì thế để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, cải tiến quy trình sản xuất và giúp họ có nguồn lực chuyển đổi xanh dễ dàng hơn, bà cho rằng, các Hiệp hội cũng như là nhà lãnh đạo cần có những kiến nghị đến Chính phủ để có những hỗ trợ các nguồn lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp thời gian tới.
Trước xu hướng phát triển bền vững của toàn cầu, logistics xanh đang trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và yêu cầu của khách hàng, trong đó thị trường lớn châu Âu đã triển khai cơ chế đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao. Đặc biệt, sở hữu chứng chỉ xanh, doanh nghiệp đang tạo cho mình lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt...
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, ngành logistics đang được nhiều điều kiện thuận lợi khi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư và mở rộng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc trọng điểm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.
Các doanh nghiệp cần nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại để tối ưu hoá các quy trình; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường như sử dụng năng lượng hydrogen, LNG… Doanh nghiệp cần chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.
Quyết định số 876 của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải, cùng với Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2050, xác định rõ mục tiêu tổng thể là hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và xây dựng ngành logistics hiệu quả, bền vững, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy vậy, để hiện thực hóa mục tiêu này, rất cần sự nỗ lực đồng bộ từ chính sách đến hành động, từ cấp vĩ mô tới từng doanh nghiệp, đặc biệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tài chính xanh, công nghệ sạch và tăng cường liên kết chuỗi, góp phần thúc đẩy nhanh việc phát triển ngành logistics theo hướng xanh hoá trong thời gian tới.
Từ khóa: chuyển đổi xanh, Chuyển đổi xanh, doanh nghiệp logistics, VCCI, chuỗi cung ứng toàn cầu, tài chính xanh
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn thúy hằng/vov1
Nguồn tin: VOVVN