Lực lượng miền Đông Libya tuyên bố ngừng bắn: Tín hiệu lạc quan
Cập nhật: 12/01/2020
Bulgaria và Romania tiến gần hơn tới sự hội nhập vào khu vực Schengen (29/11/2024)
Lệnh ngừng bắn ở Lebanon -“tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột Trung Đông? (28/11/2024)
VOV.VN - Hôm 11/1, các lực lượng miền Đông Libya do Tướng Khalifa Hafta lãnh đạo đã tuyên bố ngừng bắn theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt giữa các bên tại Libya đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
ÔngAmed Mismari. Ảnh: Wordpress. |
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn quân đội quốc gia Libya, ông Amed Mismari tuyên bố: "Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Libya tuyên bố ngừng bắn ở khu vực phía Tây. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 0h01 ngày 12/1 vớiđiều kiện rằng bên kia cũng phải thực thi lệnh ngừng bắn cùng một lúc. Mọi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn này sẽ nhận được sự phản ứng mạnh mẽ”.
Đây được coi là động thái bất ngờ bởi hôm 9/1, chỉ huy lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng ở miền Đông, Tướng Khalifa Hafta đã từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya. Trong tuyên bố, Tướng Hafta "hoan nghênh" sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, song vẫn khẳng định tiếp tục "những nỗ lực vũ trang trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố".
Liên quan đến tình hình tại Libya, trong nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng tại nước này, hôm 11/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hòa đàm Libya sẽ được tổ chức tại thủ đô Berlin, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Nga kêu gọi các bên đối lập tại Libya nhất trí một lệnh ngừng bắn. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, bà Merkel cho biết Đức sẽ sớm gửi lời mời các bên liên quan tới tham dự một hội nghị tại Berlin.
"Chúng tôi nhất trí rằng sẽ sớm gửi thư mời các bên tại Libya tham dự một hội nghị ở Berlin để bắt đầu tiến trình hòa giải Libya dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng những nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới thành công".
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, mục đích của cuộc đàm phán là tạo cơ hội để Libya trở thành một quốc gia có chủ quyền và hòa bình.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin đã bày tỏ ủng hộ tiến trình hòa bình, cho rằng đây là một ý tưởng "đúng lúc" và cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột ở Libya.
Trước đó ngày 8/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Putin đã nhất trí lập trường kêu gọi ngừng bắn tại Libya. Sau cuộc hội đàm tại thành phố Istanbul trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung kêu gọi hướng tới một lệnh ngừng bắn tại Libya, đồng thời ủng hộ những biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình thực địa ở quốc gia Bắc Phi này.
Từ tháng 4/2019, lực lượng trung thành với Tướng Hafta phát động chiến dịch quân sự nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli và gần đây đẩy mạnh tấn công các khu vực xung quanh Tripoli.
Giao tranh giữa Quân đội miền Đông Libya và các lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc từ đầu tháng 4/2019 đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và khoảng 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Dư luận lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc nội chiến mới, cũng như thảm hoạ nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này./.
Từ khóa: Nội chiến Libya, miền đông Libya, quân đội quốc gia, ngừng bắn
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN