“Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở “đẻ” ra bộ máy rất lớn”

Cập nhật: 12/11/2020

VOV.VN - Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Nhiều ĐBQH đồng tình sự cần thiết phải ban hành luật, tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu để dự thảo Luật đúng mục tiêu, phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tránh chính quy hoá lực lượng quần chúng và tránh làm thay nhiệm vụ của lực lượng chính quy. 

Tại tổ TPHCM, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng lại cho rằng, không thể nói đây là lực lượng bảo vệ cơ sở, vì nhiệm vụ đề ra trong dự án luật không có nhiệm vụ nào lực lượng này trực tiếp tham gia hay tự chủ trì để thực hiện. Theo đại biểu Minh Hoàng, chúng ta đưa ra luật, nhưng chúng ta chưa đánh giá được tác động chính sách, kể cả với BHYT và BHXH. 

“Chúng ta đưa ra luật, chúng ta phải xác định một lực lượng phải có nhiệm vụ. Thứ 2, công tác tổ chức không rõ ràng, tổ chức ở “cơ sở” - đây là từ chính trị chứ không phải từ “pháp lý”, phải nói là “địa bàn xã, địa bàn huyện, địa bàn tỉnh”. Bởi dân quân thì làm đến đâu, dân phòng làm đến đâu và được hoạt động cơ động đến đâu? Khi đặt vấn đề này, còn yếu tố kinh phí bảo đảm lực lượng chưa rõ ràng. TP HCM có điều kiện để chăm lo cho lực lượng bảo vệ dân phòng, PCCC ở cơ sở, trước đây là lực lượng công an xã… cơ bản tốt. Tuy nhiên, nhiều nơi làm chưa tốt, chưa làm được việc chăm lo đời sống, chính sách cho lực lượng này”, đại biểu Minh Hoàng nói. 

Theo tính toán của cơ quan trình dự án Luật này, cả nước có 1,5 triệu người trên toàn quốc tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách. Nếu Luật được thông qua, chúng ta sẽ giảm được 500.000 người. Song thực tế, đại biểu Minh Hoàng cho rằng, các lực lượng cơ sở sẽ tăng biên chế thêm 800.000 người, chứ không giảm đi. “Theo tôi, chúng ta nghiên cứu ra một lực lượng vừa không chính danh vừa khiến ngân sách đội lên. Tôi đề nghị, phải tính lại bởi hiện tại chúng ta có lực lượng của tổ dân phố, PCCC có lực lượng dân phòng, vậy nên chăm sóc chính sách tốt hơn cho những lực lượng này. Hiện nay, TPHCM và nhiều địa phương khác đang làm tốt các lực lượng này”, đại biểu đoàn TP HCM góp ý.

Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long) có cùng quan điểm này cho rằng: “Nói là tinh gọn nhưng Luật đẻ ra bộ máy rất lớn. Quy định trách nhiệm lực lượng bảo vệ này không có gì đặc biệt hơn so với hiện nay đang thực hiện kết hợp. Nhưng có điều chế độ bồi dưỡng hỗ trợ quá lớn, thậm chí giống hoặc nhiều hơn công chức. Có cần thiết thành lập lực lượng này hay không, hay xem xét phát huy lực lượng công an xã và các lực lượng khác ở địa phương như hiện nay thì vẫn có thể được trật tự an ninh và đời sống?”

Tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã lý giải nguyên nhân phải đưa ra Luật này. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế lực lượng này đang tồn tại và hoạt động tại các địa phương, chứ không phải ra luật để thêm lực lượng mới. 

“Chi phí có thể phát sinh là vấn đề cần lưu ý, nhưng không ảnh hưởng Luật này ra đời. Một số lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia chưa được văn bản quy định nên cần tổng kết để đưa vào luật”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quan trọng có trọng tâm là người dân, huy động sức mạnh nhân dân làm nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ tổ quốc: “Điều này đã được tổng kết nhiều năm nay, là đặc trưng rấ lớn của Việt Nam và CAND Việt Nam, của phong trào đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự tại Việt Nam. Nhiều nước không có mô hình này đã sang để học tập Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế, lực lượng này đang tồn tại và hoạt động tại địa phương và là lực lượng quan trọng của phương thức “4 tại chỗ”./. 

Từ khóa: Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Đại tướng Tô Lâm, lực lượng dân phòng, tổ dân phố

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập