Luật Điện ảnh phải tạo đà cho sáng tạo và phát triển (Bài 3)

Cập nhật: 06/10/2021

[VOV2] - Những gì đang xảy ra ở nền điện ảnh Việt Nam gần đây, kể cả những tranh cãi xoay quanh bộ Luật, là cực kỳ cần thiết cho quá trình sửa đổi, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thời gian tới.

Cơ chế tạo ra rào cản cho hợp tác quốc tế trong điện ảnh

Trong xu thế hiện nay, một bộ phim không còn là tài sản của một cá nhân hay một đất nước nữa, mà là sự hợp tác sản xuất của nhiều bên. Nhưng Luật Điện ảnh hiện hành và cơ chế thực thi nó tại nước ta đang cản trở nhiều dự án nước ngoài muốn hợp tác, dần dần tự đặt Việt Nam ra ngoài dòng chảy chung của điện ảnh thế giới.

Thời gian qua, chỉ có một vài dự án le lói tìm đến Việt Nam như bộ phim Kong hay một vài TV series hợp tác HBO. Nhưng từ đó đến nay gần như chưa có thêm một dự án nào đủ lớn. Kể cả với Kong thì dự án này cũng mang nhiều dấu ấn cá nhân hơn là một quy trình đủ cởi mở, thông thoáng để thu hút đầu tư từ điện ảnh.

Cụ thể, theo nguồn tin riêng của VOV2, ngay khi biết đạo diễn phim Kong đang ở Tp.HCM, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Tình và Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Trần Nhất Hoàng đã bỏ tiền túi, bay ngay vào để thuyết phục đoàn phim quay tại Việt Nam. Đơn vị này sau đó cũng hỗ trợ đoàn phim rất nhiều, qua đó tạo ấn tượng tốt. Đạo diễn Kong về sau còn nhận lời làm Đại sứ Du lịch Việt Nam, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp.

Nhưng những dự án như Kong chỉ là điển hình hiếm hoi cho sự hợp tác quốc tế thành công. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, người có kinh nghiệm làm việc với nhiều đoàn phim nước ngoài nhận xét: “Trong lĩnh vực hợp tác sản xuất quốc tế, khi nhìn vào dự thảo Luật hiện giờ thì tôi thấy dường như chưa có một sự chủ động, vai trò dẫn dắt của nhà nước để tập trung phát triển mảng hợp tác quốc tế”.

Một trong những rào cản đối với các dự án phim quốc tế đến Việt Nam là kiểm định kịch bản. Rất nhiều đoàn phim quốc tế khi vào khảo sát ở Việt Nam đều lo lắng thủ tục này, mặc dù rất muốn nhưng rồi đều quyết định dời qua các nước khác trong khu vực như Philipines, Thái Lan... nơi họ được trải thảm đỏ đón chào. Một dự án điện ảnh quốc tế có tính bảo mật rất cao, thậm chí tên dự án còn phải đặt mật danh, thay đổi nhiều lần để đánh lạc hướng cánh báo chí. Trong khi đó, quy trình bảo mật ở các bộ phận thẩm định kịch bản của ta đang có vấn đề, lại càng là trở ngại cho các đoàn phim quốc tế.

Mặt khác, nếu điện ảnh Việt Nam tiếp tục đứng ngoài dòng chảy quốc tế sẽ khiến chúng ta thiệt thòi nhiều. Làm tốt khâu hợp tác quốc tế không chỉ giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh ra thế giới, mà còn giúp các đơn vị sản xuất trong nước có điều kiện làm việc trong môi trường chuyên nghiệp quốc tế ngay tại Việt Nam, nâng cao chuẩn mực làm nghề, cải thiện trình độ chuyên môn. Ngoài ra, lợi ích kinh tế không phải là nhỏ.

“Nhìn vào quy mô thị trường, lợi ích kinh tế do hợp tác quốc tế mang vào thị trường Việt Nam sẽ là vô cùng lớn", nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết. "Trước khi dịch Covid bùng phát, có 740 đoàn phim quốc tế vào làm việc tại Thái Lan, đem lại doanh thu 150 triệu USD chỉ riêng trong năm 2019. Còn ở Hungary, quốc gia được coi là trung tâm phim trường của châu Âu và Mỹ, trong năm 2018 ghi nhận doanh số 323 triệu USD (trong đó 94% đến từ các dự án hợp tác quốc tế). Nếu chúng ta có chính sách cởi mở, tôi tin là sẽ có sự thúc đẩy qui mô thị trường điện ảnh cả về kinh tế và sáng tạo”.

Nên chăng, thay vì đòi duyệt kịch bản, cơ quan quản lý Việt Nam yêu cầu đoàn phim kí một cam kết không vi phạm các điều cấm theo quy định của Luật, nếu sai phạm phải thì chính phủ Việt Nam sẽ kiện đoàn phim ra tòa án quốc tế.

Khắc phục điểm nghẽn trong Luật Điện ảnh

Là một nhà làm phim từng nhiều năm gửi phim đi dự các liên hoan phim quốc tế, hiện cũng là thành viên Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện quốc gia, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận ra những khúc mắc về việc cấp phép cho các phim đi thi quốc tế. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đề xuất cấp một “luồng xanh” cho dòng phim độc lập đi tranh tài. Bởi phim độc lập Việt Nam dù có tuổi đời non trẻ nhưng lại mang đến một số thành tựu nhất định, khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế dù không xin một đồng nào từ ngân sách nhà nước. Ví dụ như Dự án phim ngắn của CJ, mùa đầu 5 phim làm ra thì 3 phim đạt giải tại các liên hoan phim uy tín, sang đến mùa 2 con số này nâng lên là 4 phim vào vòng tranh giải.

“Tôi thực sự muốn vận động một cơ chế dành riêng cho các phim đủ tiêu chuẩn tham dự các Liên hoan phim quốc tế", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói. "Một là thành lập riêng một hội đồng thẩm định, hội đồng này hoạt động phi lợi nhuận, không hưởng lương, phụ cấp trích ra từ quỹ điện ảnh hoặc các khoản đầu tư vào điện ảnh khác mà hàng năm chúng ta vẫn cấp cho ngành".

"Tiếp theo cần có bộ tiêu chí riêng. Ngoài ra cần sẵn sàng cấp visa cho phim được chiếu trong liên hoan phim quốc tế ngay cả khi phim chưa ra được bản cuối cùng. Quá trình này cho phép bộ phim có thể nộp duyệt bản phim chưa hoà âm và chưa chỉnh màu. Ai làm phim cũng biết là liên hoan phim chỉ cần bản Director Cut gần cuối thôi, còn Hội đồng duyệt lại cần bản đầy đủ đã ra DVD. Nghĩa là bạn phải có giấy phép thì bạn mới có thể đi thi đúng luật. Nhiều bộ phim rơi vào trường hợp bị buộc phải sai luật vì sự chồng lấn thời gian này”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn thì đề xuất rằng, cần có thêm mức phân loại độ tuổi cao hơn mức C18 hiện nay. Bên cạnh đó, cần có thêm các mức phổ biến cho một bộ phim: có phim chỉ được phổ biến trong một nhóm nhỏ nhằm mục đích học tập, tham khảo; có phim chỉ nhằm mục đích đi Liên hoan phim: “Không phải chúng tôi đề xuất bỏ hoàn toàn, mà ở đây chúng tôi đề xuất đưa các điều cấm ra khỏi Luật Điện ảnh, chỉ diễn giải nó bằng văn bản dưới Luật thôi. Khi có mức phân loại cấm cũng phải có tiêu chí cho nó, và phải được diễn dịch cụ thể, rõ ràng”.

Bổ sung cho ý kiến này, đạo diễn Phan Đăng Di trong bản kiến nghị chung có chữ kí của nhiều nhà làm phim đề xuất: “Chuyển các điều cấm trong Luật thành một Bộ Tiêu chí riêng đính kèm trong Nghị định hướng dẫn thi hành với nguyên tắc tránh các khái niệm, từ ngữ mơ hồ có thể bị suy diễn chủ quan. Bộ Tiêu chí này sẽ được áp dụng khi bên ban hành lệnh cấm chứng minh được sự gây hại của phim, cảnh phim theo khảo sát thực tế, đánh giá thật sự khoa học".

"Hội đồng cũng chỉ được phân loại phim để chiếu theo độ tuổi phù hợp, không được cấm phim. Hội đồng phải ghi chép lại cụ thể quá trình làm việc, bao gồm những khảo sát, lời nói, ý kiến của các thành viên hội đồng, những căn cứ, cơ sở để đưa ra các kết quả phân loại. Tất cả các hồ sơ ghi chép, biên bản làm việc của hội đồng phải được công bố công khai”, đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh.

Ở góc độ đơn vị thẩm định dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến của các nhà làm phim. Ông Sơn cho biết, các nhà làm phim cần kiến nghị cụ thể và rõ ràng hơn nữa, đồng thời mong được đối thoại cụ thể với các nhà làm phim: "Ý kiến của các nhà làm phim, nhà sản xuất, biên kịch... đều rất hữu ích, giúp cơ quan soạn thảo luật có hướng tháo gỡ để giúp điện ảnh Việt Nam phát triển".

"Tôi muốn kiến nghị của các nhà làm phim phải cụ thể hơn nữa, điều nào phải sửa, tại sao phải sửa và sửa như thế nào. Tôi hy vọng Luật Điện ảnh mới sẽ khắc phục những điểm nghẽn, tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện hình ảnh mạnh mẽ hơn, thể hiện sức mạnh nội sinh của quốc gia và lan tỏa cho các lĩnh vực khác cùng phát triển”.

Điện ảnh không chỉ là ngành giải trí đơn thuần mà có sức mạnh to lớn, là “mũi tiên phong” của công nghiệp văn hóa, công nghiệp tiêu dùng. Những bộ phim truyền hình Hàn Quốc đến Việt Nam khoảng giữa những năm 1990, tạo ra cả một làn sóng hâm mộ các ngôi sao và vật phẩm thương mại xứ Hàn. Điện ảnh cũng góp phần tạo nên những làn sóng hâm mộ các giá trị Hàn Quốc và Mỹ trên toàn thế giới.

So sánh giữa 2 nền điện ảnh hàng đầu thế giới như thế với điện ảnh Việt Nam lúc này là khập khiễng. Nhưng nếu không đi thì sẽ chẳng thể thành đường. Những gì đang xảy ra ở nền điện ảnh Việt Nam gần đây, kể cả những tranh cãi xoay quanh bộ Luật, là cực kỳ cần thiết cho quá trình sửa đổi, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thời gian tới. Chúng tôi thực sự mong rằng, Bộ Luật Điện ảnh mới sẽ giúp điện ảnh Việt Nam phát triển, chứ không còn là rào cản như hiện nay.

Từ khóa: điện ảnh Việt Nam, phát triển, Tiếng nói các nhà làm phim

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập