Luật Di sản văn hóa: Tăng cơ chế khuyến khích chính sách “hồi hương cổ vật”
Cập nhật: 18/06/2024
VOV.VN - Chính sách “hồi hương cổ vật” là hết sức cần thiết và quan trọng, nhằm lưu giữ niềm tự hào và truyền thống lịch sử dân tộc, nên đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cơ chế khuyến khích, động viên hoạt động này bằng việc điều chỉnh quy định thuế…
Thảo luận ở tổ chiều 18/6 về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) đề cập đến quy định về quản lý bảo vật quốc gia. Thượng tọa cho rằng, thực tế hiện nay và ngay trong Dự thảo Luật cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân có những tìm kiếm phát hiện, đưa những cổ vật của Việt Nam từ nước ngoài trở lại quê hương.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, chính sách “hồi hương cổ vật” này hết sức có ý nghĩa và đúng với tinh thần “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Thời gian qua do hoàn cảnh lịch sử, do chiến tranh,… nên hiện nay rất nhiều các cổ vật quốc gia đang nằm rải rác ở nước ngoài. Chính sách “hồi hương cổ vật” là hết sức cần thiết và quan trọng, nhằm lưu giữ niềm tự hào dân tộc và truyền thống lịch sử.
“Những năm gần đây, một số tổ chức, DN hảo tâm và Việt kiều đã phát tâm để hồi hương một số cổ vật, trong đó có các cổ vật liên quan đến mộc bản, hiện vật, tranh ảnh của danh họa… Đơn cử như qua mối quan hệ của Tổng hội Phật giáo, vừa qua đã hồi hương được chiếc chuông chùa từ Nhật Bản về thành phố Bắc Ninh. Tuy nhiên quá trình này đang vướng mắc về cơ chế miễn, giảm các khoản thuế, nên chăng khi người ta cam kết không buôn bán, không có kinh doanh cổ vật, cần có cơ chế động viên khuyến khích hoạt động này lan tỏa rộng khắp”, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề xuất.
Liên quan đến quy định trong Dự thảo về di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, hiện nay theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Việt Nam có khoảng 41.000 di tích thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích cấp quốc gia và hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Trong số hơn 4.000 di tích quốc gia lại có 829 ngôi chùa có hàng nghìn năm tuổi, trong hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố đang có hơn 3.000 ngôi chùa, chiếm khoảng 25% tổng số di tích Phật giáo Việt Nam đang quản lý, sử dụng.
“Còn có bất cập về thuật ngữ chủ sở hữu và chủ sử dụng đối với các di tích phật giáo, giữa một bên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các sư trụ trì và phạm trù quản lý của ngành Văn hóa. Hiện nay nhiều ngôi chùa Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang sử dụng, nhưng có nơi lại đang sở hữu, nếu thống nhất di tích phật giáo là sở hữu toàn dân cũng rất khó vì thực ra Giáo hội Phật giáo đang quản lý. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với chủ thể sử dụng hay chủ sở hữu di tích để giải quyết được nhiều bất cập trong thực tế trong nhiều năm qua”, Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ.
Quan tâm đến quy định về dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) nêu ý kiến, quy định xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ các công trình di sản tại Dự án lần này so với luật trước đây có quy định cụ thể hơn, nhắc nhiều hơn đến khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố cấu thành di tích cảnh quan văn hóa di tích.
“Quy định sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích trong Dự án đã theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn cho người dân. Quy định này phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa, giữ gìn yếu tố cấu trúc cảnh quan các cấu thành di tích, khu di tích nhưng đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt của người dân sống trong khu vực có di tích”, bà Luyến đánh giá.
Tuy nhiên, đại biểu Luyến cũng phản ánh thực tế tại Điện Biên, trong thời gian vừa qua khi triển khai luật hiện hành vẫn gặp một số những khó khăn về nguyên tắc xác định khu bảo vệ 1 và khu bảo vệ 2 trong quần thể di tích. Nhất là đối với việc xác định khu bảo vệ 2 trong luật lần này chưa xác định rõ nguyên tắc, chỉ có quy định chung chung.
“Tại địa phương, việc xác định khu vực bảo vệ 1 của di tích thì so với các địa phương lân cận không thống nhất. Khoảng cách giữa mốc tiếp giáp khu vực bảo vệ 1 với khu vực bảo vệ 2 chưa có nguyên tắc xác định cụ thể về độ rộng, chiều dài, chiều cao… nên trong quá trình triển khai các công trình, dự án vùng bảo vệ trong và ngoài di tích có yếu tố tiêu cực. Khi cá nhân có tác động đến di tích phải được có sự đồng ý của các cơ quan Nhà nước, nhưng các cơ quan Nhà nước cũng gặp khó khăn bởi quy định trong Luật chưa rõ ràng”, đại biểu Luyến phản hồi.
Để giải quyết những bất cập thực tế và thống nhất với nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cộng đồng, cá nhân trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích di sản văn hóa, đại biểu Luyến đề nghị Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định cụ thể trong luật về nguyên tắc để xác định khu bảo vệ 2 di tích tại địa phương, theo hướng rõ ràng để người dân nào cũng có thể hiểu được, tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý khi tổ chức triển khai thực hiện.
Từ khóa: hồi hương cổ vật, hồi hương cổ vật,Luật Di sản văn hóa, thảo luận, sở hữu, di tích
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN