Luật Đất đai (sửa đổi): Lấy ý kiến tham vấn cộng đồng cần thực chất, tránh hình thức
Cập nhật: 08/03/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tỉnh Quảng Bình có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố. Quá trình đền bù đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư đang có nhiều vướng mắc. Từ thực tế này, người dân có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi
Bà Trần Thị Thu, ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, gia đình có diện tích đất thuộc diện đền bù khi dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua. Miếng đất đã được định giá đền bù, tuy nhiên mức giá này đang thấp hơn so với giá đất thực tế. Cũng vì lý do này nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại tỉnh Quảng Bình đang gặp nhiều vướng mắc.“Bản thân tôi thấy miếng đất này được đền bù số tiền như vậy chưa sát với thực tế tại địa phương. Mong muốn nhà nước tạo điều kiện như thế nào đó để có sự thuận lợi hơn.”
Ông Nguyễn Đình Đa, ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho rằng, về thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần giải thích rõ các tiêu chí thế nào là vì lợi ích công cộng, cần quy định cụ thể trường hợp nào Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất. Ông Nguyễn Đình Đa góp ý, các địa phương phải xây dựng khu tái định cư xong rồi mới tiến hành thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người người bị thu hồi đất:“Luật Đất đai (sửa đổi) như vậy người dân rất ủng hộ. Nhưng nếu trong các dự án mà bố trí tái định cư trước cho người dân thì bà con sẽ nhất trí hoàn toàn để sớm tái định cư ổn định cuộc sống và yên tâm di dời phục vụ các dự án.”
Khi triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Bình, hơn 3.100 hộ gia đình bị ảnh hưởng, thuộc diện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Việc đền bù đất, giải phóng mặt bằng hay xây dựng khu tái định cư cũng đang nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc liên quan đến luật. Luật sư Đoàn Công Kê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến:“Có những trường hợp đền bù trước thì giá bình thường nhưng có những trường hợp cố tình không chấp nhận đền bù, được đền bù sau thì giá đền bù được nâng lên, nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện với Nhà nước ở nhiều cấp. Sửa đổi Luật Đất đai lần này thì có quy định về định giá ngay tư đầu năm và có Hội đồng định giá, Nhân dân cũng góp ý rất nhiều về vấn đề giá đất, yêu cầu phải hội đồng độc lập định giá và bảo đảm điều kiện đất từng vùng phải khác nhau.”
Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Chương V của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), người dân đề nghị quy định cụ thể việc lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng là một trong những điều kiện cụ thể khi phê duyệt quy hoạch, tránh làm hình thức hoặc bỏ qua ý kiến của cộng đồng dân cư trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và cộng đồng cần thực hiện từ sớm; khi cộng đồng dân cư được thông tin, được tham vấn ý kiến sẽ tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, thuận lợi trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Người dân đề nghị nguyên tắc này cần được quy định cụ thể và đo lường bằng các về tiêu chí: vật chất, văn hoá, tinh thần.
Theo bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, các ý kiến góp ý về giá đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư của người dân tại Quảng Bình đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của bà con:“Dự thảo luật này đã quy định việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải xây dựng trước khi có quyết định thu hồi đất thì ở vấn đề này chúng tôi thấy cần thiết phải thêm vấn đề là phải được phê duyệt phương án trước khi có quyết định thu hồi đất. Bởi thực tế nan giải trong thời gian qua đó là rất nhiều khu tái định cư ở nhiều địa phương không có người sinh sống mặc dù người dân vẫn có nhu cầu thực sự nhưng nó chưa được kết nối tốt về điện, hạ tầng, trường học, bệnh viện và các hạ tầng khác"./.
Từ khóa: Luật Đất đai (sửa đổi); giải tỏa đền bù; tái định cư; Quảng Bình
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN