"Luật đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm ngày nào tốt ngày đó"

Cập nhật: 21/06/2024

VOV.VN - Nhiều cán bộ vướng vòng lao lý, “né tránh”, “đùn đẩy” cũng có lý do từ vướng mắc của quy định hiện hành. Cho nên, đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh Doanh bất động sản có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó.

Chiều nay 21/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó. Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

"Như tờ trình thì không có lý do để không ủng hộ"

“Nếu chỉ đọc những nội dung được Chính phủ trình, nhất là phụ lục thống kê những điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì không có lý do gì để không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm. Nhất là từ thực tiễn điều hành ở địa phương thì chúng tôi lại càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống” – Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ khi mở đầu bài phát biểu trên nghị trường.

Theo ông, các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý cũng có một phần từ sự bất cập từ đó. Nhiều cán bộ “né tránh”, “đùn đẩy” sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó. Cho nên, các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó.

Ông rất hoan nghên thời gian vừa qua Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã lấy ý kiến của các địa phương, để xây dựng các văn bản dưới luật để khi luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.

Tuy nhiên, những vấn đề được Ủy ban Kinh tế chỉ ra, theo ông cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt sự phản ứng, tâm lý của xã hội.

Chẳng hạn, Ủy ban Kinh tế quan ngại một số quy định có hiệu lực sớm hơn 5 tháng gây khó khăn cho các đối tượng do yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn.

Về điều kiện đảm bảo, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Điều đại biểu băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ ngành.

Đại biểu đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thề phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết. “Có như thế khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời cử tri” – ông Hà Sỹ Đồng nói và đồng tình nhất trí luật có hiệu lực từ 1/8.

Nhanh chóng hướng dẫn chi tiết, không để khoảng trống pháp lý

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai có 97 điều giao chính phủ, bộ ngành và địa phương quy định, hướng dẫn thi hành. Nội dung còn lại trong luật đều có thể thi hành được và phát huy hiệu quả, nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc, mở rộng hạn điền, đối tượng được chuyển quyền sử dụng nông nghiệp, thuê đất trả tiền hằng năm của đơn vị sự nghiệp công lập...

Đối với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung mới, quan trọng trong quản lý, lành mạnh hoá thị trường bất động sản, phát triển nhà ở. Phần lớn các điều của hai luật này có thể thực hiện ngay mà không phải hướng dẫn chi tiết như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở xã hội, đối tượng nhà ở xã hội...

“Tôi đồng tình các luật này sớm đi vào cuộc sống” – ông Phạm Văn Hoà nêu quan điểm. Song ông cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về tiến độ, lộ trình xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật để tránh rủi ro, vướng mắc có thể phát sinh, tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách...

“Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt bộ ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hoá, trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời sau khi các luật này được thông qua” – đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.

Từ khóa: luật đất đai, hiệu lực luật, luật đất đai, luật nhà ở, quốc hội, đại biểu quốc hội, kỳ họp thứ 7, chính phủ

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ngọc thành/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập