Luân chuyển giáo viên cần giám sát chặt chẽ
Cập nhật: 19/07/2024
VOV.VN - Kỳ họp thứ 24 của HĐND tỉnh Bình Thuận, khóa XI vừa bế mạc vào chiều 18/7. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm việc phân bổ chỉ tiêu giáo viên, vẫn xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ trên địa bàn. Từ đó, đề nghị các sở, ngành liên quan có giải pháp cụ thể, giám sát chặt chẽ việc luân chuyển giáo viên để tránh xảy ra tiêu cực.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Bình Thuận, việc hợp đồng, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, điều chuyển đội ngũ viên chức quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục hiện nay do ngành nội vụ địa phương quyết định (trừ cấp THPT). Việc bổ nhiệm viên chức quản lý trong cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định, nhất là do thiếu giáo viên nên chưa đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, toàn tỉnh còn thiếu 29 viên chức quản lý, 456 giáo viên... Tình trạng điều chuyển giáo viên chưa cân đối, hợp lý tại cơ sở giáo dục dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Thuận khẳng định, căn cứ vào các quy định pháp lý và tình hình thực tế thì không có trường hợp thiếu giáo viên.
"Chỉ tiêu giáo viên đứng lớp giao cho từng trường, từng lớp học là đủ. Việc thiếu giáo viên đứng lớp theo như phản ảnh không phải là do giao thiếu chỉ tiêu mà do thiếu nguồn giáo viên. Giả sử như năm học này ở trường A chỉ tiêu biên chế giáo viên đứng lớp là 100 người và giáo viên hiện có là 80 người, cần tuyển thêm là 20 giáo viên nữa nhưng nguồn giáo viên ở ngoài xã hội cung cấp là không có đủ"- ông Dương nói.
Về khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên, đại biểu Huỳnh Thị Hoa, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Nội vụ với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này, phải có những giải pháp giúp cho các địa phương tuyển đủ giáo viên. Ví dụ, nếu không tìm được nguồn giáo viên từ ngoài thì có thể tổ chức các lớp đào tạo để bổ sung lượng giáo viên còn thiếu hiện nay.
Trong công tác luân chuyển giáo viên, bà Huỳnh Thị Hoa, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận nêu ý kiến: "Đề nghị Sở Nội vụ có giải pháp giám sát chặt chẽ việc luân chuyển giáo viên, khắc phục tình trạng giáo viên thiếu thừa cục bộ ở các trường. Bởi hàng năm mà giáo viên cứ phải chuẩn bị tinh thần để xem mình có trong danh sách phải luân chuyển hay không cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư tình cảm và như vậy thì cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy".
Trả lời vấn đề trên, ông Đỗ Thái Dương nói: "Tùy mỗi địa phương mà có sự quy định, ấn định khác nhau về mặt thời gian. Ví dụ, giáo viên công tác ở vùng miền núi hoặc là cách xa trung tâm có thể là khoảng từ 3 đến 5 năm thì mới xem xét bố trí để quay trở về. Việc điều chuyển, bố trí giáo viên là căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, tình hình thực tế và xem xét hoàn cảnh của từng giáo viên".
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho rằng cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và ngành nội vụ, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với cán bộ, viên chức giáo dục. Nhất là các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm giáo viên, viên chức quản lý của các cơ sở giáo dục trên địa bàn của tỉnh, hiện nay đang được giao cho Phòng Nội vụ của các huyện, thị xã, thành phố.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nói: "Ngành giáo dục đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với ngành nội vụ trong công tác tuyển dụng, điều chuyển, bố trí sử dụng viên chức quản lý và đội ngũ giáo viên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 ngành. Vấn đề này thì phải có quy chế phối hợp. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phòng chống tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực này".
Từ khóa: giáo viên, luân chuyển, giáo viên, giám sát chẽ, bình thuận, chất vấn
Thể loại: Xã hội
Tác giả: đoàn sĩ/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN