Lừa đảo 180 triệu đồng, hình phạt nào cho cô đồng Trương Hương?

Cập nhật: 08/08/2023

VOV.VN - Với việc bị khởi tố về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt là 180 triệu đồng thì nếu bị kết tội, cô đồng Trương Hương sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung với mức hình phạt được quy định là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự phổ biến của mạng internet và các mạng xã hội (Facebook, TikTok.v.v…) thì các hoạt động xem bói online trên không gian mạng cũng đang ngày càng “nở rộ” và cũng đã xuất hiện nhiều biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để trục lợi, tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan (cúng giải hạn, thay đổi số mệnh, hoặc mua bán bùa chú..v.v.. ), thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người “nhẹ dạ cả tin”.

Lợi dụng hoạt động mê tín để lừa đảo

Nhiều người do quá tin vào bói toán nên đã rơi vào mê tín dị đoan, bị lôi kéo và lợi dụng, vừa bị mất tiền, vừa bị lệch lạc trong nhận thức (ỷ lại vào việc cúng bái, số phận, vận may hoặc nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng không có căn cứ).

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với cô đồng "đúng nhận, sai cãi" Trương Thị Hương (SN 1986). Trương Thị Hương bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cô đồng Trương Hương bị người dân tố cáo nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Cô đồng Trương Thi Thương nổi tiếng với việc bổ cau xem bói hỏi "đúng nhận, sai cãi". Trước đó, ngày 9/2, Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trương Thị Hương về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, việc khởi tố và bắt tạm giam bị can mới chỉ thuộc giai đoạn đầu của các hoạt động tố tụng nhằm giải quyết vụ án. Do đó, nội dung vụ án, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý, hoặc quyền lợi của những người có liên quan như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của vụ án.

Tuy nhiên, với việc bị khởi tố về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt là 180 triệu đồng thì nếu bị kết tội, cô đồng này sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung là “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có mức hình phạt được quy định là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo tài liệu điều tra, ngày 6/12/2022, anh T.T.X cùng mẹ đẻ đến nhà cô đồng Trương Hương ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn) xem bói, xem phong thủy và được cô đồng gợi ý làm lễ, cầu bán nhà, cầu bình an với số tiền 270 triệu đồng. Khi anh X. trình bày hoàn cảnh, số tiền được Hương giảm xuống còn 180 triệu đồng và hứa hẹn làm lễ xong, khoảng 28/12/2022, gia đình anh X. sẽ bán được nhà. Tuy nhiên, sau khi cúng về, anh X. chờ đến hết tháng 12/2022 vẫn không bán được nhà. Nghĩ bị lừa, người đàn ông này đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của cô đồng Trương Thị Hương.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Hùng cho rằng, ngoài lời khai của bị can thì hành vi phạm tội của họ còn có thể và phải được chứng minh một cách khách quan và đầy đủ bằng các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án như: Lời khai, lời trình bày của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lời khai của người làm chứng, các tài liệu, vật chứng, hoặc dữ liệu điện tử như: Nội dung tin nhắn, dữ liệu ghi âm, ghi hình có liên quan đến vụ án.v.v..

“Ngay cả khi bị can có nhận tội thì “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.” (Khoản 2 Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Đồng thời, “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

"Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.” (Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)”- luật sư Hùng phân tích.

Lợi dụng các hoạt động tôn giáo có diễn biến phức tạp

Vì vậy, theo luật sư Hùng, dù bị can có nhận tội hay không thì Cơ quan điều tra vẫn có trách nhiệm thu thập, xem xét và đánh giá tất cả các tài liệu, chứng cứ của vụ án, để làm rõ các vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Qua vụ án này cho thấy, các hành vi lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín tưỡng để trục lợi, tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan (cúng giải hạn, thay đổi số mệnh, hoặc mua bán bùa chú..v.v.. ), thậm chí là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang có những diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

“Nhiều người do quá tin vào bói toán nên đã rơi vào mê tín dị đoan, bị lôi kéo và lợi dụng, vừa bị mất tiền, vừa bị lệch lạc trong nhận thức (ỷ lại vào việc cúng bái, số phận, vận may hoặc nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng không có căn cứ). 

Luật sư Hùng khẳng định, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để có thể hạn chế và dần xóa bỏ vấn nạn mê tín dị đoan và những biến tướng tiêu cực của chúng, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.  

 

 

 

Từ khóa: cô đồng, cô đồng đúng nhận sai cãi, hoạt động mê tín dị đoan, cô đồng Trương Thị Hương, bổ cau, xem bói qua mạng, xem bói, hành nghề mê tín dị đoan, cô đồng bổ cau, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa cúng giải hạn, thầy bói, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập