Lựa chọn nào cho Anh trong “cuộc chiến” tàu chở dầu với Iran?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Các vụ bắt giữ tàu chở dầu của nhau giữa Anh và Iran đang đẩy nước Anh vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” với không nhiều lựa chọn tốt.
Những căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ siêu tàu chờ dầu Grace 1 của Iran ở khu vực Gibraltar hôm 4/7 với cáo buộc con tàu này vi phạm lệnh trừng phạt của EU khi chở dầu tới Syria.
Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở eo biển Hormuz hôm 19/7 và nói rằng con tàu này đã có va chạm với một tàu cá của Iran. Tuy nhiên, có thể thấy vụ việc này là nhằm đáp trả vụ Anh bắt giữa tàu Grace 1.
Tàu Stena Impero bị Iran bắt giữ ở eo biển Hormuz ngày 19/7. Ảnh: Getty |
“Chúng tôi sẽ xem xét một loạt lựa chọn”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood nói với Sky News. “Chúng tôi sẽ nói với các đồng nghiệp, đồng minh quốc tế, để xem có thể thực hiện biện pháp nào”.
“Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi là đảm bảo một giải pháp phù hợp với con tàu hiện nay, đảm bảo các con tàu khác treo cờ Anh được an toàn khi hoạt động ở vùng Vịnh”, ông Ellwood cho biết thêm.
Tuy nhiên, nước Anh dường như có ít lựa chọn tốt để thể thực hiện trong bối cảnh căng thẳng với Iran liên quan tới các vụ bắt giữ tàu chở dầu hiện nay.
Đại sứ Anh ở Washington, Peter Westmacott, đã đặt câu hỏi về sự “khôn ngoan” khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ con tàu Grace 1. Bất chấp tính pháp lý, ông Westmacott cho rằng, động thái này không khác gì việc “thắp diêm trong thùng dầu”, và điều này đang khiến nước Anh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trừng phạt các cá nhân IRGC?
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, nước Anh có thể muốn tìm cách hạ nhiệt. Một số biện pháp trừng phạt hạn chế nhằm vào các cá nhân trong IRGC là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không hoàn toàn giống như các biện pháp trừng phạt đã từng tồn tại trước thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn gọi là JCPOA). Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đã thừa nhận phần nào về điều này trong một chương trình truyền hình của BBC mới đây.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán nếu có với Iran, sẽ bắt đầu bằng yêu câu thả tàu Grace 1 từ Gibraltar. Tuy nhiên, Anh khẳng định rằng, không có sự tương đương giữa vụ nước này bắt tàu Iran với vụ Iran bắt tàu treo cờ Anh.
Ngoại trưởng Jeremy Hunt nói rằng tàu Grace 1 bị bắt một cách hợp pháp để thực thi các lệnh trừng phạt của EU và thậm chí hiện tại ngay cả phía Iran cũng từ chối đảm bảo rằng, nếu được thả, con tàu sẽ không khôi phục hành trình tới Syria. Ngược lại, tàu Stena Impero treo cờ Anh lại bị phía Iran bắt giữ một cách bất hợp pháp.
Các nỗ lực bảo vệ tàu hàng ở Vùng Vịnh
Có thể hơi muộn, nhưng Anh sẽ đẩy mạnh các nỗ lực nhằm bảo vệ tàu hàng của mình di chuyển của Anh trên vùng Vịnh.
Tuy nhiên, Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith ngày 21/7 nói rằng Mỹ đã đề xuất Anh sử dụng "các tài sản của Mỹ" nhằm hỗ trợ việc đi lại của Anh trên Vịnh Ba Tư trước khi Iran bắt giữ tàu Stena Impero, nhưng khi đó, chính phủ Anh đã không có bất kỳ phản ứng nào.
Điều này cho thấy, nước Anh dường như vẫn còn đang lưỡng lự. Do hàng chục năm cắt giảm chi phí quân sự, nước Anh không có khả năng hoạt động độc lập để bảo vệ tàu thuyền ở Vùng Vịnh. Anh cũng lo ngại việc Mỹ sẽ dẫn dắt một chiến dịch an ninh hàng hải ở Vùng Vịnh như thế nào. Không ai hoàn toàn biết những điều kiện cho sự hỗ trợ từ phía Mỹ có thể là gì. Ví dụ, Mỹ đã tuyên bố IRGC là một tổ chức khủng bố, và đòi hỏi Anh và các nước châu Âu làm điều tương tự.
Bên cạnh đó, nước Anh có thể lo ngại sẽ bị rơi vào tình thế phải “chiến tranh” với Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể lấy việc hủy cuộc tấn công vào phút chót để thể hiện rằng ông không muốn một cuộc chiến tranh với Iran, nhưng vẫn có một số nhân vật xung quanh ông lại muốn làm điều đó.
Trong những cuộc “tranh cãi” hàng ngày xung quanh Tổng thống Trump, khó có thể dự đoán được ai sẽ thắng. Ông John Bolton nói rằng mình chỉ là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ và không phải là người đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ở Nhà Trắng, mỗi ngày một khác, đặc biệt là khi những quan điểm cứng rắn với Iran như John Bolton dường như vẫn “áp đảo”.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Nước Anh cũng đang tiến thoái lưỡng nan với thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, các bên còn lại trong đó có cả Anh, vẫn muốn cứu vãn.
Hiện các nước châu Âu đang tìm cách thúc đẩy Instex, cơ chế được thiết lập nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại nhân đạo giữa châu Âu và Iran theo cách có thể tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên điều này vẫn đang bị “treo”, trong bối cảnh Iran tuyên bố rút bớt các cam kết, bao gồm cả việc làm giàu urani trên mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân.
Cùng với áp lực lớn từ Mỹ, có vẻ như các nước châu Âu, trong đó có cả Anh, khó có thể tiếp tục giữ JCPOA thêm lâu dài.
Nhiệm vụ lớn đối với Thủ tướng mới của Anh sẽ là ngồi xuống với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ làm rõ điều mà ông đang cố đạt được ở Iran là gì: kiềm chế tham vong hạt nhân của họ hay kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Lời khuyên ở đây là vai trò truyền thống của Anh. David Reynolds, một giáo sư về lịch sử quốc tế tại Đại học Cambridge mới đây đã trích dẫn lại một câu trong bản ghi nhớ của Văn phòng đối ngoại từ năm 1944 trong đó viết rằng: “Mục đích của chúng ta là tận dụng sức mạnh của Mỹ cho những mục đích mà ta coi là tốt”./.
Từ khóa: căng thẳng Anh-Iran, bắt giữ tàu chở dầu, tàu chở dầu, eo biển Hormuz,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN