Lớp học nghề rèn Đa Sỹ mở lối đi cho du lịch làng nghề
Cập nhật: 06/06/2020
VOV.VN -Cùng với việc lưu giữ nghề truyền thống, tận dụng lợi thế văn hoá và phát triển thành một hình thức du lịch là lối đi mới cho các làng nghề.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km về phía Tây, nép mình bên hạ lưu sông Nhuệ hiền hoà, có một ngôi làng mà người dân ở đó vẫn luôn tự hào “Trải dài từ Lũng Cú đến Cà Mau, dao của Đa Sỹ chỗ nào cũng có”.
Lớp học rèn củaanh Hoàng Văn Chinh ở làng Đa Sỹ. |
Bên cạnh việc lưu giữ nghề rèn truyền thống, gia đình anh Hoàng Văn Chinh đã tận dụng lợi thế văn hoá của làng nghề rèn Đa Sỹ và biến nghề trở thành loại hình du lịch trải nghiệm.
Lớp học truyền thống thời hiện đại
“Ở Đa Sỹ, lò rèn có thể nhiều, nhưng lớp học rèn thì chỉ có một mình nhà anh Chinh”. Đến với gia đình của anh Hoàng Văn Chinh, như biết bao ngôi nhà khác trên đường Đa Sỹ, tiếng đe, tiếng búa dội lên từ xa mà chẳng cần lại gần cũng có thể nghe thấy. Và chỉ cần nghe thấy những âm thanh này, người ta biết mình đã đến làng rèn nổi tiếng Hà Nội.
Anh Hoàng Văn Chinh hướng dẫn cách tạo hình cho lưỡi dao. |
Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông nhỏ bé giản dị, da rám nắng nhưng ánh mắt sáng lên mỗi lần nhắc tới chuyện nghề và những kỉ niệm của lớp học rèn.
Anh Chinh chia sẻ: “Trung bình năm ngoái, hàng ngày lò rèn đều đón tiếp một lượt khách. Thế nhưng từ đợt Covid thì khách ít hơn”.
Khách tới đa phần là người nước ngoài tò mò và mong muốn trải nghiệm phương thức làm dao truyền thống của người dân bản địa.
Mỗi lớp học gồm khoảng 10 du khách, kéo dài trong 3 tiếng. Mọi người chăm chú quan sát thao tác của anh Chinh, nhìn cách anh làm phôi, nung, rèn, đập thoăn thoắt , cách anh mài dao cho thật đúng. Các công đoạn được tối giản hết mức để mọi người đều nắm được những quy trình cơ bản tạo nên con dao và có thể tự tay rèn nên một sản phẩm của riêng mình.
Than được đổ thêm vào để giữ nhiệt độ cho bếp nung. |
Đầu tiên là làm cán dao, tay phải chắc để chẻ gỗ, quan trọng nhất là chọn được loại gỗ tốt. “Không phải gỗ nào cũng dùng được, vì mỗi loại dao phải đòi hỏi một loại gỗ khác nhau” – anh Chinh vừa nói, vừa thoăn thoắt bày ra các loại dao để so sánh. Để làm một cán dao không khó nhưng hoàn thiện chất lượng cho nó lại đòi hỏi bàn tay của những nghệ nhân lành nghề.
Tiếp theo là đến làm lưỡi dao, du khách sẽ được hướng dẫn cách vẽ lưỡi dao, tạo hình thù của loại dao mong muốn. Sau đó mới cắt các bản sắt theo hình dạng của sản phẩm. Lưỡi dao sau khi cắt được đưa vào lò nung với nhiệt độ 1000 độ C. Tuỳ thuộc vào từng loại thép và độ dày mỏng của dao mà thời gian nung sẽ có sự chênh lệch. Anh Chinh kể :“Mài dao mới là công đoạn khó nhất, tỉ mỉ và cũng là lâu nhất. Quá trình mài có khi phải mất đến cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành, tay mài phải đều, khéo, để lưỡi dao sau khi thành phẩm có độ mỏng đều nhau.”
Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều du khách nước ngoài cũng tham gia lớp học. |
Và khi được hỏi về cảm xúc sau mỗi lần dạy học, khuôn mặt đẫm mồ hôi của người thợ rèn lâu năm bất chợt bừng sáng: “Mình thấy vui vẻ và lạc quan lắm. Vì được tiếp xúc với nhiều người. Khách tây họ đến đây, thân thiện và lịch sự lắm”
Anh Lucas đến từ Đức háo hức chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình tự tay làm một sản phẩm thủ công. Thành quả có lẽ chưa được hoàn hảo lắm nhưng nó sẽ là con dao độc nhất”.
Làng nghề “chơi vơi” giữa những khó khăn
Những năm gần đây, nghề rèn của làng Đa Sỹ gặp nhiều khó khăn. Có người phải bỏ nghề, bỏ làng vì con người hiện đại không chuộng đồ rèn nữa.
Ở làng rèn Đa Sỹ, nhiều nhà bắt đầu đưa máy móc vào sản xuất, nhưng lớp học của anh Chinh vẫn gìn giữ phương pháp truyền thống. Anh Chinh bảo : “Cái cốt là muốn lưu giữ lại bản chất truyền thống của nghề rèn cho con cháu sau này. Làm thủ công tuy vất vả nhưng chất lượng dao vẫn tốt hơn”.
Bước đầu tiên để tạo nên một con dao là làm cán. |
Câu chuyện của Đa Sỹ không hề cá biệt, nhiều làng nghề Việt Nam cũng gặp khó khăn tương tự và trở nên lạc lõng trước sự phát triển của thời cuộc, không kịp thích ứng và rồi bị đào thải bởi chính những người làm nên giá trị cho nó không còn đủ sức giữ nghề. Đa Sỹ có lẽ may mắn hơn khi vẫn còn những nghệ nhân ngày đêm nuôi giấc mở “thổi lửa” giữ nghề như anh Hoàng Văn Chinh.
Thế nhưng, ý tưởng thành lập lớp rèn không tự nhiên mà có. Năm 2015, chị Vũ Hồng Thanh, người sáng lập của Hanoi and around with Thanh đã đến gặp anh Chinh và chia sẻ mong muốn được hợp tác nhằm khai thác du lịch của làng. Và thế là lớp học rèn ra đời cùng với mục tiêu : “nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa mọi người với vẻ đẹp văn hoá và truyền thống Việt Nam.”
Nhờ sự nhanh nhạy sáng tạo với thời cuộc. Lớp học nghề rèn mở ra cho làng Đa Sỹ một con đường mới giữa cuộc sống hiện đại, không chỉ gìn giữ lưu truyền cho con cháu sau này, có một Đa Sỹ sẽ còn đi ra thế giới qua lời kể của bạn bè quốc tế, qua những sản phẩm giản dị nhưng mang đậm màu sắc Việt Nam./.
Từ khóa: nghề rèn, du lịch làng nghề, nghề truyền thống, du lịch, phục hồi du lịch
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN