Lợi dụng vỏ bọc giáo dục trực tuyến trục lợi, phụ huynh bức xúc
Cập nhật: 22/05/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN -Hàng trăm học sinh ở tỉnh Hải Dương đã mất tiền oan vì đăng ký học trực tuyến qua mạng Internet.
Điều đáng nói để có được danh sách hơn 600 học sinh, Trung tâm đào tạo trực tuyến do doanh nghiệp tư nhân Phần mềm Quốc Cường tổ chức đã lợi dụng các cơ sở giáo dục để tiếp cận với học sinh và phụ huynh.
Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cần xem xét những trường học cho nhân viên vào tiếp thị các chương trình học trực tuyến.
Cho đến ngày hôm nay, anh Nguyễn Văn Việt ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) vẫn chưa hết bức xúc vì bị lừa do đã nộp tiền đăng ký cho 2 con tham gia khóa học tiếng Anh trực tuyến. Dù đăng ký từ đầu năm 2018, nhưng cho đến thời điểm này con anh vẫn chưa được học buổi nào.
Sau cả trăm cuộc điện thoại với nhiều lần Giám đốc Trung tâm vòng vo về việc chưa tổ chức được lớp học, anh mới tin mình đã bị lừa: “Có mỗi gần đây các gia đình mới biết rồi bảo nhau chứ trước đây chỉ nghĩ có mình bị lừa. Đây cũng do nhà trường cho vào tiếp thị chứ thẳng thừng đến nhà thì tôi không bị lừa. Bây giờ số lượng lớn quá thì mọi người cùng tố giác vì cộng đồng”.
Anh Việt là một trong hàng trăm phụ huynh tại Hải Dương đã tin tưởng, nộp tiền đăng ký cho con học trực tuyến do Doanh nghiệp tư nhân Phần mềm Quốc Cường tổ chức. Thep tìm hiểu của phóng viên, doanh nghiệp này chưa được cấp phép về đào tạo trực tuyến.
Theo danh sách Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cung cấp, hiện có hơn 600 tài khoản là những cá nhân đăng ký học tại trung tâm của Doanh nghiệp này mở lớp, chủ yếu là các học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Người nộp ít cũng gần 1,5 triệu đồng tiền học phí, người nộp nhiều lên tới gần 6 triệu đồng.
Điều khiến các phụ huynh bất bình không chỉ ở số tiền đã thanh toán mà còn là không phải ngẫu nhiên doanh nghiệp Quốc Cường có được tên, số điện thoại và địa chỉ nhà của hơn 600 học sinh như ý kiến của Ông Phạm Văn Nam, huyện Ninh Giang: “Tôi đăng ký học cho con là để lấy kiến thức và Trung tâm đến tận trường để giới thiệu, vì quá tin tưởng nên tôi mới đăng ký học. Nên bây giờ rất bức xúc vàmất niềm tin vào nhà trường và trung tâm. Mong là cơ quan chức năng vào cuộc để lấy lại công bằng cho chúng tôi”.
Thời gian qua, học trực tuyến đã cho thấy những lợi ích thiết thực, giúp người học từ vùng sâu, vùng xa đến thành phố tiết kiệm kinh phí, tiệm cận được kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên việc lợi dụng các cơ sở giáo dục để lấy thông tin làm ăn bất chính là điều đáng lên án.
Ông Vũ Xuân Trường, Phó trưởng Phòng Giáo dục Tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết: “Chức năng, nhiệm vụ của cấp Sở hay Phòng giáo dục thì không được quản lý các chương trình đào tạo trực tuyến. Hiện nay Sở cũng đã chỉ đạo phòng giáo dục và nhà trường nâng cao cảnh giác, không cho các doanh nghiệp vào chào bán các sản phẩm. Ngoài việc nâng cao nhận thức của phụ huynh và nhà trường, Sở cũng sẽ rà soát các trang dạy trực tuyến có uy tín để giới thiệu cho các phụ huynh tham khảo”.
Mới đây, giám đốc của Doanh nghiệp tư nhân phần mềm Quốc Cường, ông Nguyễn Văn Sáu đã bị công an huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bắt giữ và vụ việc đang từng bước được giải quyết. Dù vậy có thể thấy nhu cầu lớn về học trực tuyến của các học sinh tại các miền quê nhưng việc kiểm soát các trang mạng học trực tuyến còn nhiều lỗ hổng đã dẫn đến câu chuyện đáng buồn ở Hải Dương. Việc để nhân viên trung tâm vào tận trường để chào bán các chương trình học khi chưa được phép cũng là điều mà ngành giáo dục tỉnh Hải Dương cần xem xét khi năm học mới đã cận kề./. Xét tuyển đại học trực tuyến: Thí sinh cần lưu ý những gì?
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN