Lo ngại Trung Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng “khủng”
Cập nhật: 01/10/2020
VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố dự thảo ngân sách với mức chi tiêu lên đến 51,9 tỷ USD, để giúp quân đội Nhật Bản tăng cường năng lực ứng phó với các mối đe dọa mới.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đề xuất tăng 8,3% ngân sách quốc phòng trong năm 2020, mức tăng cao nhất trong hai thập kỷ qua, trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự và mối đe dọa từ chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên gia tăng.
Đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên
Bộ này đã công bố dự thảo ngân sách vào hôm qua (30/9), với mức chi tiêu lên đến 51,9 tỷ USD, để giúp quân đội Nhật Bản tăng cường năng lực ứng phó với các mối đe dọa mới, trong đó có chiến tranh mạng, chiến tranh không gian và chiến tranh điện tử.
Trong tổng mức chi tiêu nói trên, Bộ Quốc phòng dự chi 690 triệu USD để mở rộng các đơn vị tác chiến không gian và hệ thống Nhận thức Tình huống không gian của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, 340 triệu USD để xây dựng đơn vị phòng thủ không gian mạng và nâng cao năng lực tác chiến điện tử. Đề xuất này cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Nhật Bản vào cuối năm nay. Nếu đề xuất được thông qua, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng.
Ông Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học International Christian ở thủ đô Tokyo nhận xét, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản nhằm mục đích bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng về mặt quân sự của các cường quốc khác trong khu vực.
Theo ông Nagy, mức tăng ngân sách này dù cao nhưng lại tương ứng với mức chi tiêu quân sự của các nước khác ở khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã thông báo tăng 6,6% ngân sách quân sự vào tháng 5/2020, nâng tổng chi tiêu quốc phòng của nước này lên đến ít nhất 178 tỷ USD. Ông Nagy cho biết: “Số lượng tàu mà Trung Quốc đóng mỗi năm nhiều hơn cả số lượng tàu mà Anh có trong hạm đội của nước này. Kể từ năm 2000, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 10% mỗi năm. Quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, một phần, được thúc đẩy bởi các hoạt động mở rộng sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở trong khu vực và trên toàn cầu”.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mức chi tiêu có thể tăng cao hơn nữa nếu quyết định về cách thức thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên đất liền của nước này được đưa ra vào cuối năm nay. Nhật Bản đã ngừng triển khai hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ vào tháng 6/2020 với lý do hệ thống này đang có những trục trặc kỹ thuật và đòi hỏi quá nhiều chi phí.
Heigo Sato, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Thế giới tại Đại học Takushoku, Tokyo, cho rằng việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là nhằm đối phó với mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên, cũng như sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, yêu cầu Tokyo phải gánh vác trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo an ninh và gia tăng chi phí cho lực lượng đồn trú của Mỹ.
“Thời kỳ ngừng gia tăng chi tiêu quân sự đã chấm dứt”, ông Heigo Sato nói.
Chuyên gia Heigo Sato cho rằng mức ngân sách mới được đề xuất này nhiều khả năng là sự tiếp nối di sản của ông Shinzo Abe chứ không nên hiểu là kế hoạch chi tiêu quốc phòng tương lai của tân Thủ tướng Yoshihide Suga.
Tăng cường quan hệ với Mỹ
Trước tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, Nhật Bản đang thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu với CNN hồi tháng 8, ông Taro Kono – người được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Nội các mới, cho biết, Bắc Kinh sẽ phải “trả giá đắt” vì gia tăng thực hiện các hành vi đe dọa ở Biển Đông.
Vào tháng 7 vừa qua , chính phủ Mỹ đã phê chuẩn việc bán hơn 100 máy bay chiến đấu F-35 cho Nhật Bản, với lý do “hỗ trợ các mục tiêu an ninh quốc gia" của Mỹ.
Chuyên gia Nagy cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Nhật Bản có thể phải chịu nhiều sức ép hơn trong việc gia tăng chi tiêu quốc phòng và phải đóng vai trò lớn hơn trong đảm bảo an ninh tại khu vực ở Đông Á.
Ông nhấn mạnh: “Với dự thảo ngân sách mới này, Nhật Bản muốn gửi đi thông điệp rằng: Chúng tôi sẽ tăng cường trách nhiệm và gia tăng mức chi tiêu quốc phòng để giữ Mỹ gắn kết với khu vực”.
“Tokyo sẵn sàng thể hiện cam kết của họ với đồng minh Mỹ-Nhật”, chuyên gia Nagy nói thêm./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN