Lo ngại chất lượng sinh viên tuyển bằng “học bạ”?
Cập nhật: 22/11/2019
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - So sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển ở các trường đại học công lập cho thấy, tỷ lệ sinh viên được xét tuyển học bạ đạt loại yếu khá cao.
Sinh viên xét tuyển học bạ bị “rơi rụng” nhiều?
Trường ĐH Nha Trang sử dụng phương thức xét tuyển học bạ (XTHB) trong 2 năm 2017 và 2018. Nhưng sau 2 năm triển khai, thống kê chung có đến 20% sinh viên (khoảng hơn 1.000 sinh viên) xếp loại yếu kém. Các sinh viên (SV) này nhập học rồi nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 - 2 học kỳ đầu.
Mùa tuyển sinh năm 2019 có khoảng hơn 150 trường Đại học, Cao đẳng xét tuyển học bạ. |
Lý giải tình trạng này, TS. Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do trường sử dụng phương thức XTHB, đặc biệt là chỉ xét điểm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển. Khi đó, người học không theo kịp chương trình học. Ông Phương dẫn chứng, nhiều SV có tổ hợp 3 môn XTHB là 25 điểm nhưng điểm thi THPT của 3 môn tương ứng chỉ 8 - 10 điểm (tức là chênh lệch đến 17 điểm). Đặc biệt, kết quả học tập sau 2 học kỳ trúng tuyển vào trường chỉ xếp loại trung bình. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, Trường ĐH Nha Trang đã ngưng sử dụng phương thức XTHB từ năm 2019. Thay vào đó là xét điểm tốt nghiệp THPT để có đánh giá toàn diện hơn từ nhiều môn học. Nhìn nhận về phương thức xét học bạ, ông Tô Văn Phương khẳng định: “Điểm học bạ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đánh giá năng lực của học sinh”.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực hiện thống kê trên 5.200 SV trúng tuyển năm 2017 và gần 6.000 SV trúng tuyển khóa 2018 với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Số liệu thống kê kết quả học tập 2 năm học của SV khóa tuyển sinh (2017 - 2018 và 2018 - 2019) cho thấy, tỷ lệ xếp loại học lực từ khá trở lên của phương thức XTHB là thấp nhất trong các phương thức, tỷ lệ SV trung bình là cao nhất. Trong khi đó, thống kê kết quả học tập của SV xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc giakhóa này cho thấy có tỷ lệ yếu kém cao nhất trong các phương thức. SV được xét tuyển bằng kết quả thi tiếp tục học lên năm thứ 2 chiếm 90,8% so với năm đầu, tức tỷ lệ “rơi rụng” gần 10%. Tuy nhiên, khóa 2018- 2019, tỷ lệ SV đạt loại khá, giỏi và xuất sắc của phương thức XTHB cao hơn so với kết quả thi; tỷ lệ SV diện yếu kém của phương thức XTHB cũng thấp hơn xét điểm thi. Lý do được trường đưa ra là, điểm chuẩn phương thức XTHB khóa này khá cao.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Tình trạng tổng điểm tổ hợp 3 môn XTHB ở phổ thông và điểm kỳ thi THPT của 3 môn tương ứng lệch nhau lớn là đáng lo ngại. Nguyên nhân cơ bản là do đánh giá học tập giữa các trường phổ thông không bình đẳng với nhau. Bệnh thành tích của các trường phổ thông rất cao, thậm chí tình trạng giáo viên “làm đẹp” học bạ không phải ít. Hơn nữa, nếu sử dụng kết quả xét tuyển thì đòi hỏi các trường phải coi trọng mục tiêu chất lượng, nhưng hiện nay nhiều trường chỉ mong muốn tuyển được càng nhiều SV càng tốt, bất chấp “đầu vào” thấp.
Vì thế, theo ông Khuyến, XTHB chỉ là điều kiện cần để xét vào đại học, còn điều kiện đủ là các trường phải dựa vào kết quả thi THPT. Tuy nhiên, kỳ thi này cần phải được cải tiến hơn nữa để việc sử dụng kết quả thi đảm bảo chính xác hơn. Làm sao điểm thi các môn phải đạt từ trung bình trở lên mới được tốt nghiệp chứ dưới điểm trung bình như hiện nay là không chấp nhận được. Điều này dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp đạt hơn 90% cũng không ổn. Còn riêng với các trường ĐH tốp trên họ có thể tổ chức những kỳ thi riêng để chọn được đầu vào có chất lượng tốt hơn, thay vì dựa vào kết quả thi THPT hay học bạ.
Cần kiểm định chất lượng phổ thông
Không ít ý kiến lo ngại, XTHB tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giáo viên trường THPT nhẹ tay với học sinh của mình, thậm chí có tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ. Một giảng viên đại học đề xuất: Xét điểm học bạ theo tổ hợp môn thi là dễ dãi, không chính xác, nhiều khi còn có tiêu cực nữa. Tất nhiên là có những em giỏi thể hiện rất đúng điểm ở trong học bạ, vậy nên chăng ưu tiên cộng thêm điểm cho các em có điểm học bạ cao tùy trường tính toán cho hợp lý và chính xác; còn xét tuyển vẫn căn cứ vào điểm thi THPT Quốc gia là chính xác hơn điểm học bạ.
Nhìn nhận về kết quả thống kê nêu trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Phương thức XTHB ở các trường khác nhau sẽ cho ra kết quả học tập không giống nhau. Tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, SV trúng tuyển phương thức này với điểm trúng tuyển trên 25 điểm 3 môn hầu hết đạt học lực giỏi. Trường chỉ cho phép đăng ký tối đa 3 ngành nên SV gần như trúng vào ngành mình yêu thích nên có kết quả học tập khá tốt”. Ngược lại, với phương thức xét điểm thi theo ông Dũng, khuyết điểm lớn nhất của phương thức này là cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có những em trúng tuyển ngành không yêu thích nên ảnh hưởng tới chất lượng học tập.
Theo TS. Lê Viết Khuyến, sau mấy năm triển khai việc xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau, Bộ GD-ĐT cần cùng các trường đại học tổ chức đánh giá nhằm rút kinh nghiệm khắc phục để công tác tuyển sinh tốt hơn, chính xác hơn. Bộ GD-ĐT cần thành lập Trung tâm khảo thí để thực hiện việc đánh giá các trường phổ thông, trường nào đã tiến hành kiểm định thường xuyên về hoạt động giáo dục của trường thì điểm học bạ sẽ có độ tin cậy cao và lúc đó mới có thể sử dụng cho việc xét tuyển. Đặc biệt, điểm thi tốt nghiệp THPT phải yêu cầu đạt từ trung bình trở lên. Việc đánh giá thi tốt nghiệp phổ thông phải toàn diện hơn, chính xác hơn, làm sao để điểm thi tốt nghiệp THPT thực sự được xã hội tin cậy./.
Từ khóa: xét tuyển học bạ, Đại học, cao đẳng, sinh viên tuyển bằng “học bạ”
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN