Lộ diện tiêm kích đánh chặn tàng hình nguy hiểm nhất của Nga

Cập nhật: 30/10/2020

VOV.VN - Trong bối cảnh tiêm kích Su-57 tiến xa hơn trong giai đoạn sản xuất đại trà, Nga đang đặt nền móng để chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, trong đó phải kể đến tiêm kích đánh chặn tàng hình PAK DP.

PAK DP - tiêm kích đánh chặn tàng hình thế hệ thứ 6, còn có tên gọi khác MiG-41, là sản phẩm kế thừa của dòng máy bay đánh chặn MiG-31 “Foxhound” ra đời từ thời Liên Xô. Mặc dù phi đội MiG-31 hiện tại của Nga có thể hoạt động cho đến những năm 2030 nhưng Điện Kremlin vẫn muốn phát triển một thế hệ mới thay thế.

“MiG-41 sở hữu những khả năng độc nhất vô nhị”

Trước đó vào năm 2018, ông Ilya Tarasenko – Tổng giám đốc Tập đoàn Mikoyan – cha đẻ của loạt máy bay nổi tiếng dòng MiG cho biết, việc chế tạo MiG-41 đã bước sang “giai đoạn thiết kế thử nghiệm”, đồng thời nhấn mạnh phải 10 năm nữa công việc này mới hoàn thành.

Tất nhiên, “hoàn thành” ở đây không đồng nghĩa với việc đưa vào sản xuất đại trà. Vẫn chưa rõ tập đoàn Mikoyan có kế hoạch sản xuất bao nhiêu chiếc PAK DP và tốc độ sản xuất ra sao.

Thiết kế của máy bay chiến đấu PAK DP được cho là đã hoàn thiện vào cuối năm 2019. Mùa hè năm 2020, ông Tarasenko cho biết, họ đang tìm cách chế tạo phiên bản mới này dựa trên cấu tạo cốt lõi của MiG-31. Nếu PAK DP đạt được bước nhảy vọt lớn về hiệu suất hoạt động thì điều này sẽ thu hẹp đáng kể khoảng cách hơn 3 thập kỷ ngăn cách với MiG-31.

Trong khi MiG-31 duy trì tốc độ tối đa chỉ hơn Mach 2,8 và tốc độ hành trình khoảng 2,3 Mach thì MiG-41 vượt trội hơn hẳn với tốc độ tối đa từ 4 đến 4,3 Mach và tốc độ hành trình khoảng 3 Mach. Các nhà bình luận quốc phòng Nga cho rằng, MiG-41 thậm chí có thể đạt tốc độ cực đại là 5 Mach.

Ngoài ra, MiG-41 còn có khả năng hoạt động ở độ cao cao hơn nhiều so với MiG-31, dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố. Các nhà bình luận quốc phòng từng suy đoán rằng PAK DP có thể vươn tới không gian gần vũ trụ, nhưng ông Tarasenko tiết lộ tiêm kích này có thể hoạt động trong không gian vũ trụ.

“MiG-41 sở hữu những khả năng độc nhất vô nhị, nó không chỉ vô hình trước radar của đối phương mà còn có thể hoạt động trong không gian vũ trụ”.

Một số báo cáo trước đó cho biết, tập đoàn Mikoyan đang xem xét chế tạo biến thể PAK DP không người lái nhưng kế hoạch này rất khó thực hiện trong tương lai gần. Nhà nghiên cứu quân sự Samuel Bendett nhận xét: “Việc chuyển đổi máy bay có người lái hiện hành thành phiên bản không người lái đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về kỹ thuật và các nguồn lực, điều mà Nga đang thiếu hụt khi nói đến công nghệ UAV tiên tiến”.

Vẫn chưa rõ tải trọng vũ khí mà PAK DP có thể mang theo. Phát biểu với báo chí hồi đầu năm nay, ông Viktor Bondarev – người đứng đầu lực lượng không gian vũ trụ Nga cho biết, MiG-41 sẽ mang theo tên lửa không đối không tầm xa R-37 cũng như “các tên lửa hoàn toàn mới”.  

Tên lửa R-37 "thai nghén" vào những năm 1980 và ra mắt vào năm 2019 sau một thời gian dài gián đoạn. Vì thế có nhiều ý kiến lo ngại rằng tên lửa này sẽ trở nên lỗi thời khi MiG-41 bước vào giai đoạn sản xuất đại trà. Hiện nay, Nga đang phát triển tên lửa siêu thanh hiện đại R-37M, nhưng chưa rõ nó có khả năng tương thích với tiêm kích MiG-41 hay không.

Hãng tin Izvestia của Nga cho biết, MiG-41 sẽ mang một “hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa đa chức năng, có thể bắn hạ tên lửa siêu thanh” với nhiều đầu đạn. Theo giải thích của Izvestia, khái niệm khá đơn giản: sau khi radar mặt đất hoặc hệ thống cảnh báo sớm của Nga phát hiện ra tên lửa siêu thanh, chúng sẽ phát tín hiệu, tiếp theo MiG-41 sẽ phóng tên lửa đánh chặn ở khoảng cách xa. Tên lửa này sẽ tự động tách thành những tên lửa nhỏ hơn và tấn công trực diện tên lửa siêu thanh của đối phương.

Bổ sung sức mạnh cho hệ thống phòng thủ của Nga

Chuyên gia quốc phòng Nga Dmitri Kornev cho rằng, hệ thống này cũng có thể được sử dụng để tấn công bệ phóng tên lửa siêu thanh trước khi chúng khai hỏa. Hệ thống đánh chặn của MiG-41 được kỳ vọng sẽ bổ sung sức mạnh cho hệ thống phòng thủ của Nga, mặc dù chưa rõ nó thể đối phó với tên lửa siêu thanh chiến thuật hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay không.

PAK DP có thể được tích hợp những động cơ mới hơn và hoạt động hiệu quả hơn được phát triển từ động cơ Izdeliye 30 mà nhà máy Saturn đang phát triển cho tiêm kích Sukhoi Su-57 PAK-FA. Mặc dù PAK DP được thừa hưởng những tiến bộ kỹ thuật trải dài hơn 3 thập kỷ kể từ khi MiG -31 Foxhound đi vào hoạt động nhưng về cơ bản nó sẽ vẫn giữ những nét đặc trưng của chiến đấu cơ tiền nhiệm.

Cùng với máy bay ném bom chiến lược PAK DA, tiêm kích đánh chặn tàng hình thế hệ thứ 6 PAK DP đang nhanh chóng nổi lên như một trong những máy bay chiến đấu sở hữu năng lực vượt trội và tinh vi nhất về mặt kỹ thuật của Nga. Tuy vậy, do các thông tin liên quan đến những dự án quân sự lớn của Nga thường được giữ kín, vẫn cần phải xem xét dự án chế tạo PAK DP sẽ phát triển như thế nào khi nó tiến gần hơn đến giai đoạn sản xuất đại trà trong thập kỷ tới.

Tập đoàn chế tạo MiG cho biết, tiêm kích này sẽ bước vào giai đoạn sản xuất giữa những năm 2020, song các nhà phân tích phương Tây cho rằng dự án chế tạo MiG-41 quá đắt đỏ đối với Nga vì thế tiêm kích này sẽ không sẵn trên thị trường cho đến giữa thế kỷ 21.

Nhà phân tích Quốc phòng Nga Vasily Kashin đánh giá: “Theo tôi được biết, MiG-41 là một dự án tương lai vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và lên ý tưởng. Tôi cho rằng nó cũng giống như các dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5++ hoặc thế hệ thứ 6. Vì thế có lẽ chúng ta nên coi nó tương đương với dự án chế tạo vũ khí tương lai thế hệ thứ 6 của Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, nhiều khả năng sẽ được triển khai vào năm 2035 hoặc 2040”./.

Video: Cận cảnh tiêm kích MiG-31 Foxhound phô diễn sức mạnh. Nguồn: Youtube.

 

Từ khóa: tiêm kích đánh chặn tàng hình, tiêm kích MiG-41, máy bay đánh chặn PAK DP, MiG-3, vũ khí Nga, tên lửa siêu thanh

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập