Liên Hợp Quốc là đối tác luôn “kề vai sát cánh” giúp đỡ Việt Nam
Cập nhật: 21/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Sau thành công tốt đẹp của cuộc hội đàm, tối nay, Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký António Guterres chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20/9/1977 – 20/9/2022).
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc ngày 20/9/1977 là khởi đầu chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Chặng đường đó đã chứng kiến đất nước Việt Nam hồi sinh từ đổ nát của chiến tranh, thực hiện Đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền kinh tế năng động, đạt mức thu nhập trung bình với Chỉ số Phát triển Con người (HDI) ở mức cao. Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, chủ động hội nhập, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong những năm tháng gian khó nhất, Liên Hợp Quốc là kênh viện trợ đa phương duy nhất giúp Việt Nam tái thiết hạ tầng kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986 và trong suốt quá trình phát triển sau này, Liên Hợp Quốc là đối tác luôn “kề vai sát cánh”, giúp đỡ Việt Nam hiệu quả về xây dựng thể chế của nền kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo. Đặc biệt, gần đây, trong bão xoáy Covid-19 tàn phá, chương trình COVAX đã hỗ trợ lượng vaccine lớn cho Việt Nam, mang đến niềm tin và chạm đến trái tim của mỗi người dân Việt Nam về một Liên Hợp Quốc thấm đượm giá trị nhân văn cao cả.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam tự hào về nỗ lực thực hiện các sứ mệnh cao cả của Liên Hợp Quốc, triển khai các mục tiêu, chương trình của Liên Hợp Quốc, các sáng kiến của Tổng thư ký và nhiều chương trình trở thành hiện thực.
Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của Liên Hợp Quốc, thực hiện có hiệu quả nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ nước thiếu lương thực, Việt Nam ngày nay là nước xuất khẩu hàng đầu một số nông sản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực và quốc tế. Trong khả năng của mình, Việt Nam sẵn sàng tham gia cùng Liên Hợp Quốc ứng phó với khủng hoảng lương thực hiện nay.
Trong hợp tác với Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc ở cấp quốc gia. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều nữ quân nhân, đã có mặt tại các Phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và vùng Abyei.
Tại Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người. Việt Nam vừa vinh dự được bầu vào Hội đồng Nhân quyền 2023-2025. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, hướng tới Giảm phát thải bằng “0” vào 2050.
Trước các thách thức toàn cầu vượt quá năng lực xử lý của từng quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, chúng ta kỳ vọng Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, là hạt nhận kết nối đoàn kết quốc tế, là đầu mối phối các nỗ lực đa phương giúp củng cố hoà bình, an ninh và hợp tác phát triển, vì một thế giới không có chiến tranh, xung đột, bất công, nhân loại không còn đói nghèo, lạc hậu.
Đối với Việt Nam, từ lịch sử trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa của hòa bình và giá trị của phát triển, quyết tâm thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với khát vọng Việt Nam hùng cường, hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trên chặng đường đi lên đó, hợp tác với Liên Hợp Quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Việt Nam. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả những hoạt động hợp tác với Liên Hợp Quốc, đóng góp xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói đến câu chuyện về hành trình đáng nhớ của Việt Nam, từ việc cách đây không lâu, các nhân viên Liên Hợp Quốc thế hệ trước còn phải cung cấp viện trợ lương thực cho Việt Nam, một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực chờ, thì nay, chính Việt Nam đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở một số nơi tuyệt vọng nhất trên thế giới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã điểm lại những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong hợp tác với Liên Hợp Quốc, đạt được những thành tựu kinh tế xã hội quan trọng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, đặc biệt đã hoàn thành và trong một số trường hợp đã vượt hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Những thành quả này là minh chứng mạnh mẽ cho sự kiên cường và nỗ lực vượt khó của người Việt Nam, và cũng như chính sách lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Nhìn vào thành công hiện tại để hướng về tương lai, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mong muốn Liên Hợp Quốc và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác, cùng tiếp tục viết nên chương mới trong câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam. Trong đó lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, phát triển nền kinh tế xanh…
"Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, nhưng hành trình phát triển của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới. Để chúng ta có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu; để chúng ta không bỏ lại ai ở phía sau; để các bạn có thể chuyển đổi nền kinh tế của mình và thay đổi thế giới, Liên hợp quốc tự hào khi được là đối tác của Việt Nam – từng bước trên chặng đường này. Tiến lên - cùng tiến lên. Chúng ta sẽ cùng đi lên, đúng như lời cổ vũ trong bản Quốc ca Việt Nam", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng chúc mừng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và cho biết Liên Hợp Quốc mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên vì hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người cho tất cả mọi người.
Trong bài phát biểu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhắc đến các thách thức lớn toàn cầu hiện nay như: hậu quả đại dịch Covid-19, cuộc chiến tại Ucraina khiến tăng giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát gia tăng; biến đổi khí hậu mà Việt Nam cũng đang là nước phải hứng chịu gay gắt. Ông đặc biệt lưu ý đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cho rằng, nếu không có hành động chung về khí hậu toàn cầu, chỉ trong thập kỷ này, hơn một triệu người Việt Nam có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Lúc đó thiệt hại về kinh tế của biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể tăng gấp 50 lần vào năm 2050.
Để ứng phó tình trạng này, ông cho rằng, các nền kinh tế G20, đang chiếm 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và 80% GDP toàn cầu cần là những quốc gia tiên phong. Các nước phát triển phải giữ lời hứa cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hoan nghênh Việt Nam đang triển khai quyết định mạnh mẽ về đẩy nhanh giảm điện than, khởi động cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhưng Việt Nam cần được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và xanh hóa nền kinh tế.
Nhấn mạnh việc cần thiết lập Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, ông đánh giá, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong tiến trình đó, tiên phong trong việc thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công bằng và bao trùm sang năng lượng tái tạo.
Thông qua Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, Việt Nam đang trở thành hình mẫu phát triển mới để cả thế giới tham khảo. Song để thành công cần huy động toàn xã hội, cả nguồn lực nhà nước và tư nhân. Tổng thư ký António Guterres cho biết, cá nhân ông sẽ tham gia cùng thúc đẩy các đối tác thực hiện đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính một cách nhanh chóng, với quy mô lớn, và với nhiều mức ưu đãi đối với Việt Nam./.
Từ khóa: Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN