Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 thể hiện tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn trước dịch bệnh
Cập nhật: 22/11/2021
Tình trường của "mỹ nhân Hollywood" Anne Hathaway
Hoa hậu Thanh Thuỷ diễu hành trên đường phố TP.HCM sau khi về nước
(VOV5) -Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 khẳng định nỗ lực của ngành văn hóa trong việc chung tay từng bước đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 (đợt 1) diễn ra từ 5 - 17/11 tại Thành phố Hải Phòng. Đây là liên hoan nghệ thuật toàn quốc đầu tiên kết hợp giữa trực tiếp và phát trực tuyến trên nền tảng công nghệ số, nhận được sự đón nhận tích cực của khán giả. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 thể hiện tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn trước dịch bệnh, khẳng định sức sống và sáng tạo không ngừng của nghệ thuật kịch nói.
Một cảnh trong vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền |
Nhà hát Công an nhân dân tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 với hai tác phẩm “Trái tim thành phố” mang đề tài “nóng” phòng chống tham nhũng và “Con đò của mẹ” có chủ đề cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước. Chị Đào Thanh Mai, diễn viên Nhà hát Công an nhân dân, bộc bạch: "Để đạt được vở diễn trọn vẹn, ekip chúng tôi đã nỗ lực không ngừng. Trong thời gian vừa rồi, do tình hình dịch bệnh, ngay cả trước hôm đi thi, bản thân diễn viên của vở kịch phải cách ly tại nhà, chúng tôi đã phải thay vai rất nhanh để làm sao vở kịch được thông suốt, diễn ra trôi chảy. Tình hình dịch bệnh là thách thức đối với tất cả các diễn viên, các nhà hát chứ không riêng gì đối với Nhà hát kịch Công an nhân dân."
Trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này, ngoài những đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng hay những vấn đề thời sự, nhiều đoàn nghệ thuật lại khai thác đề tài xã hội, gia đình trong thời đại mới, như vở “Đường chân trời” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, đạo diễn vở kịch, cho biết: "Đây không phải là vấn đề thời sự nhưng lại là vấn đề thường ngày cuộc sống gia đình, nhắc nhở mỗi người về quan hệ vợ chồng, quan hệ con cái với cha mẹ, bình đẳng trong gia đình, những tranh luận có về quan hệ ngoài hôn nhân... Áp lực nữa là thời gian tập không nhiều, do dịch bệnh nên thời gian dài, tôi không đến được thành phố Hải Phòng, vở diễn mới tập được hơn tuần."
Nhiều vở diễn được dàn dựng, tập luyện gấp gáp trong thời gian ngắn, tranh thủ vừa hết giãn cách để kịp mang đến Liên hoan. Có những vở lại được dàn dựng tới hơn hai năm nhưng do dịch COVID-19, chưa có điều kiện công diễn phục vụ khán giả.
Người xem bắt gặp những hình tượng nhân vật của quá khứ lịch sử, những sự kiện và con người đương thời cá tính. Các vở diễn đều được khán giả đón nhận, phản hồi tích cực: "Xem vở kịch này tôi rất xúc động, rất ý nghĩa. Đã lâu lắm rồi tôi mới được ngồi xem vở kịch trực tiếp, rất hay. Thời đại này rất ít người xem kịch, nhưng những người như chúng tôi rất thích, mang lại ý nghĩa rất sâu sắc." "Lâu lắm rồi mới được xem những vở kịch hay như vậy. Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, để có những cảm giác trực tiếp thế này, thực sự là rất quý giá." "Chất lượng của các vở kịch trong Hội diễn năm nay đều có đổi mới về quy mô. Nội dung, đề tài cũng đa dạng, phong phú hơn." là những ý kiến đánh giá của khán giả về vở kịch.
Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đánh giá: "Để có được liên hoan lần này, phải nói là Cục Nghệ thuật biểu diễn rất quyết tâm thực hiện. Nếu không phải là 3 năm thì nó sẽ bị nhỡ đi rất nhiều nhịp khác trong rất nhiều hoạt động nghệ thuật nói chung. Điều đó cũng thể hiện mong muốn, khát khao của chúng tôi: Chúng tôi mong muốn được diễn lắm rồi, chúng tôi muốn được gặp nhau để trao đổi về nghề, khoe tài năng và đưa đến cho mọi người những tác phẩm hay."
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 , nsut Xuân Bắc, Nhà hát kịch Việt Nam, Trần Ngọc Giàu, Nhà hát kịch Hải Phòng, kịch nói
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5