Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 – tỏa sáng những “kiếp tằm mãi vương tơ”

Cập nhật: 5 ngày trước

VOV.VN - Qua sự sáng tạo, đầu tư công phu của nguyên ekip sáng tạo, 33 chương trình nghệ thuật thi diễn của 29 đơn vị trên cả nước tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đã mang lại cho người xem nhiều cảm xúc và yêu hơn những kiếp tằm mãi vương tơ.

20 ngày diễn ra Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 (từ 25/10 đến 13/11/2024), hội trường Trung tâm văn hóa TP. Cần Thơ (quận Ninh Kiều – Cần Thơ) luôn tấp nập người mộ điệu cải lương.

“Chất ngọc Cầm Thi Giang” là vở diễn của Nhà hát Tây Đô – Cần Thơ mở màn cho hành trình thi diễn tại Liên hoan ngay sau đêm khai mạc 25/10. Cuộc đời và sự nghiệp sân khấu của soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, bậc Hậu Tổ cải lương, được thể hiện bằng những lớp tuồng rất đẹp, nhất là hình ảnh soạn giả Mộc Quán trên chiếc xuồng câu bồng bềnh sóng nước ở quê hương Thốt Nốt - nơi hun đúc trong ông tình yêu đờn ca, nghệ thuật truyền thống. Dưới cách diễn đầy tự nhiên nhưng có thần, nghệ sĩ Lê Duy trong vai soạn giả Mộc Quán đã hóa thân trọn vẹn vào vai diễn và nhận được nhiều sự cổ vũ từ hàng ghế khán giả.

Trực tiếp xem vở diễn“Chất ngọc Cầm Thi Giang”, đại diện gia đình danh nhân văn hóa - soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền xúc động: “Là con cháu cụ Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, gia đình chúng tôi thật xúc động bởi hình tượng của cụ đã được tái hiện trên sân khấu rất sinh động, rất chân thật, rất gợi hình bằng những lát cắt, những mốc son quan trọng của cuộc đời cụ đã tạo nên chất ngọc cầm thi giang để con cháu tự hào và noi theo. Cám ơn Nhà hát Tây Đô, cám ơn tác giả, đạo diễn, cám ơn các nghệ sĩ, chúng tôi viết nên những dòng tâm sự như những lời tri ân để gửi đến bậc tiền hiền hậu tổ”.

Liên tiếp những ngày sau đó, người yêu cải lương lại dâng cao niềm tự hào dân tộc trong vở diễn “Người con của rừng tràm” (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An) dựng mới hoàn toàn trong năm 2024do NSND Triệu Trung Kiên và NSND Hồ Ngọc Trinh làm đạo diễn, thể hiện một giai đoạn rực lửa nơi cánh rừng tràm bạt ngàn bên dòng Chợ Đệm. Vai diễn chính khá nặng, được NSƯT Vương Tuấn đảm nhận, toát lên sự gan dạ, mưu trí và bản lĩnh của nhà cách mạng.

Theo tác giả Nguyễn Sỹ Chức, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Liên hoan năm nay có 2 vở diễn về đề tài danh nhân văn hóa và nghệ thuật, 11 vở diễn về đề tài lịch sử, 7 vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng và 13 vở diễn về đề tài đương đại, chứng tỏ chương trình dự thi của các đơn vị rất đa dạng về đề tài lẫn phong cách thể hiện.

“Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đã xuất hiện nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề tư tưởng rõ ràng, sâu sắc, được chuyển tải qua những nội dung hấp dẫn, tập trung ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương giữa người và người. Đó còn là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của ông cha ta trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước; trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; ngợi ca những con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi vở diễn như một đóa hoa với những sắc màu tươi tắn, khác lạ, rất khó trộn lẫn đã tạo nên một dáng vẻ lạ kỳ, riêng biệt sân khấu kịch hát cải lương trong Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tại Cần Thơ” - Tác giả Nguyễn Sỹ Chức nhấn mạnh.

Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật có tên tuổi như Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP. HCM), một dấu ấn trong Liên hoan năm nay là sự tham gia của các đơn vị Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Sân khấu địa phương… với những vở diễn được đầu tư từ nguồn xã hội hóa như: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang dàn dựng vở diễn “Cánh đồng bất khuất”; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long dự thi vở cải lương “Chân mệnh”;… Hay một vài đơn vị có hành trình cưỡi “đam mê” từ Bắc vào Nam thể hiện tình yêu nghệ thuật truyền thống là Nhà hát Cải lương Hà Nội với 3 vở diễn; Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định;... Đặc biệt là sự tham gia của các đơn vị ngoài công lập như: Công ty TNHH Giải trí WE với vở “Người mang 9 án tử”;Công ty TNHH Giải trí Hero Film với vở “Ðợi Kiều”; Sân khấu Sen Việt với vở “Chói rạng sơn hà”;…

Nghệ sĩ Đỗ Xuân Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội nói:“Liên hoan để chúng ta đốt lại ngọn lửa của truyền thống, chúng ta giữ gìn bản sắc dân tộc của môn nghệ thuật cải lương này”. 

“Làm nghệ sĩ chuyên nghiệp và bản thân được tham gia hội diễn là một niềm hạnh phúc cho người nghệ sĩ, bởi vì đây là một cơ hội để chúng ta cọ xát và nhìn lại từng chặng đường đã đi qua; đồng thời, bản thân phải học hỏi và tiếp thu những gì mới và hay” - NSƯT Lê Tứ, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP. HCM) bộc bạch.

Không chỉ đốt lại lửa nghề cho nghệ sĩ lâu năm, Liên hoan Cải lương toàn quốc còn là ngọn đuốc chỉ đường cho những nghệ sĩ trẻ đang háo hức chờ đợi khoảnh khắc tỏa sáng sau tấm màn nhung. Nghệ sĩ Kim Thùy, đến từ Hội Sân khấu địa phương chia sẻ: “May mắn là Liên hoan nào tôi cũng được tham gia, nhưng trước giờ toàn đóng vai phụ, phụ diễn. Đây là lần đầu tiên được đóng chính nên cũng rất áp lực, lo lắng và phải cố gắng hết mình. Mỗi lần Liên hoan là mỗi lần Ngày hội của nghệ sĩ đến, là cơ hội để tôi được va chạm, học hỏi từ đàn anh, đàn chị”.

Vinh dự là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ và là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, người dân Cần Thơ rất tự hào khi thành phố được chọn làm nơi tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay. Đây không chỉ là dịp để nghệ sĩ tạo nên những vở diễn hay mà còn thỏa niềm say mê của những người trót yêu giai điệu ngọt ngào quê hương.

“Tôi rất thích nghe cải lương. Dịp này, tôi cho các con đi cùng để có dịp trải nghiệm và thưởng thức trực tiếp bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc” - chị Vũ Thị Phương, ở quận Ninh Kiều cùng gia đình đến xem, cổ vũ cho các đơn vị chia sẻ.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 nhận định: “Cải lương là loại hình tổng hợp gồm cả ca, kịch, nhạc, có rất nhiều vấn đề liên quan tổng hợp nên cải lương có sức hút với nhân dân, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

Liên hoan lần này thu hút 33 vở diển đến từ 29 đơn vị và là một trong những Liên hoan lớn nhất từ trước đến nay của cải lương. So sánh thì năm nay nhiều hơn những năm trước 6-7 vở diễn, thu hút nhiều đơn vị, ngay cả những đơn vị phía Bắc xa xôi mặc dù còn nhiều khó khăn.

Qua Liên hoan lần này tìm ra được những nhân tố mới tài năng cải lương tích vực vì đây là một Liên hoan chuyên nghiệp sẽ đem lại kết quả là những diễn viên chuyên nghiệp. Liên hoan lần này cũng khích lệ cho những nghệ sĩ trẻ ngày càng phát triển, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên”.

Qua mỗi kỳ Liên hoan Cải lương toàn quốc, với sự say mê trình diễn, cách dàn dựng công phu, trang phục và đạo cụ chỉn chu đến từ các đơn vị thi diễn, tin chắc sẽ ngày càng vun đắp tình yêu, niềm tự hào, giúp bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho nhiều thế hệ mai sau.

Từ khóa: Cải lương, Liên hoan Cải lương toàn quốc,cải lương,liên hoan cải lương,nghệ thuật thi diễn

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: hồng phương/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan