Lịch sử thành môn bắt buộc không ảnh hưởng tới các phân môn khác

Cập nhật: 13/07/2022

[VOV2] - Lịch sử trở thành môn bắt buộc cũng không xáo trộn hoặc ảnh hưởng tới các phân môn khác - GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên SGK môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều khẳng định.

Lịch sử sẽ thành môn học bắt buộc thứ 8 ở cấp THPT

Là một chuyên gia tham gia vào việc điều chỉnh môn Lịch sử, chia sẻ với VOV2, GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên SGK môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều cho biết, môn Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc thứ 8 trong chương trình giáo dục phổ thông mới cấp THPT (cùng các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương).

Theo thiết kế trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Lịch sử là môn lựa chọn bao gồm 70 tiết mỗi năm theo chủ đề cốt lõi và 35 tiết chuyên đề nghiêng về lựa chọn nghề nghiệp. Phần chủ đề cốt lõi này sẽ được đưa vào phần bắt buộc.

Tuy nhiên, nếu để tất cả học sinh THPT học 70 tiết chủ đề cốt lõi, vốn trước đây xây dựng cho các em có định hướng theo chuyên ngành Khoa học xã hội sẽ là hơi nhiều. Sau khi cân nhắc nhiều lần, các chuyên gia cùng với Bộ Giáo dục đào tạo thống nhất tinh giản thành 52 tiết.

Theo GS Bình 52 tiết là vừa với tất cả các đối tượng học sinh theo chương trình đại trà chung. Còn em nào học ngành Xã hội nhân văn thì ngoài 52 tiết đại trà sẽ cộng thêm 35 tiết chuyên đề sâu.

Với việc đưa môn Lịch sử vào dạy bắt buộc sẽ có tổng 156 tiết/3 năm THPT, tức là đã nhiều hơn so với 140 tiết/ 3 năm THPT của chương trình hiện hành.

 

 

Trước băn khoăn về việc điều chỉnh môn Lịch sử có ảnh hưởng gì tới Chương trình tổng thể các môn học, GS Đỗ Thanh Bình khẳng định với cách điều chỉnh này, căn bản chương trình 2018 là ổn định.

"Trong tổng thể kết cấu toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc cũng không xáo trộn hoặc ảnh hưởng tới các phân môn khác. Trước đây các em học 7 môn bắt buộc, 5 môn tự chọn thì nay sẽ thành 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn theo tổ hợp. Nghĩa là mỗi em học sinh vẫn học tổng số 12 môn học", GS Bình cho biết.

GS Đỗ Thanh Bình cũng khẳng định việc điều chỉnh sẽ không gây ảnh hưởng hay cần phải chỉnh sửa gì chương trình môn Sử ở cấp THCS. “Sẽ hoàn toàn không cần phải sửa cả chương trình môn Sử THCS. Những nội dung nào ở THCS đã học rồi nếu ở THPT có gì trùng lặp thì cắt bỏ. Hơn nữa, chương trình Lịch sử THCS vẫn tiếp tục được coi như nền tảng tạo cho các em kiến thức chung cốt lõi. Lên đến THPT sẽ học theo các chủ đề mang tính khái quát, nâng cao hơn".

Theo GS Đỗ Thanh Bình trong thời gian gần 2 tháng là hoàn toàn có thể làm được việc điều chỉnh môn Lịch sử vì "không thay đổi, không làm lại" Chương trình 2018.

Chú trọng phần lịch sử dân tộc, lịch sử Việt Nam

Với việc điều chỉnh 70 tiết phần cốt lõi xuống 52 tiết bắt buộc, theo GS Bình đương nhiên phải cắt giảm nội dung. Tuy nhiên, nguyên tắc của cắt giảm là không ảnh hưởng đến kết cấu Chương trình 2018 đã thiết kế, vẫn đảm bảo tính logic, tính hệ thống (có Lich sử thế giới, Lịch sử khu vực, Lịch sử Việt Nam), đảm bảo tính liên thông (THCS học theo "thông sử", còn THPT theo chủ đề, chuyên đề).

Một nguyên tắc nữa của cắt giảm là đảm bảo chương trình phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức học sinh phổ thông cũng như vùng miền. Và một nguyên tắc theo GS Bình đặc biệt chú ý là chương trình sẽ chú trọng đến lịch sử dân tộc, lịch sử Việt Nam về cả nội dung và thời lượng.

"Lịch sử Việt Nam cả về nội dung kiến thức và thời lượng đều nhiều hơn lịch sử thể giới và khu vực".

Sách giáo khoa Lịch Sử thời điểm này về cơ bản đã in ấn xong, thậm chí nhiều địa phương đã nhận về, sẵn sàng chuyển đến tay học sinh. GS Đỗ Thanh Bình khẳng định số sách này có thể sử dụng bình thường cho học sinh học bộ môn theo cả hai hướng lựa chọn hoặc bắt buộc. Phần cắt giảm và chuyên đề sâu sẽ không giảng dạy cho học sinh học Lịch sử bắt buộc.

“Nếu năm sau tái bản, tôi nghĩ là có một vài chủ đề cắt giảm thì có thể bỏ đi để sách mỏng hơn và cũng vì thế rẻ hơn. Sách năm nay học sinh vẫn có thể sử dụng lại mà không ảnh hưởng gì”. GS Đỗ Thanh Bình khẳng định.

Đủ giáo viên giảng dạy Lịch sử cho cả hai phương thức lựa chọn và bắt buộc

Theo tính toán của các chuyên gia, với 16 tiết/ tuần, lực lượng giáo viên hiện có đủ khả năng đảm bảo giảng dạy cả phần tự chọn và bắt buộc.

Tuy nhiên, đây là chương trình mới, viết theo cách tiếp cận năng lực và phẩm chất, không tiếp cận nội dung như sách giáo khoa chương trình 2006. Nếu không đổi mới và tiếp tục sử dụng phương pháp cũ "đọc-chép", giáo viên sẽ không thể dạy được vì SGK chỉ dạy trong khoảng 15 phút là sẽ không còn nội dung gì để mà đọc chép.  

“Tất nhiên chuyển từ dạy tiếp cận nội dung sang tiếp cận dạy tiếp cận năng lực là một sự thay đổi lớn, cuộc cách mạng”, GS Bình nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, ngày 25 tháng 8 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành nội dung giảng dạy cho 52 tiết lịch sử bắt buộc ở cấp THPT. 

Theo GS Đỗ Thanh Bình sẽ vẫn kịp triển khai môn Lịch sử năm học đầu tiên bậc THPT theo chương trình mới 2018. Chương trình chỉnh sửa môn Lịch sử đến thời điểm này cơ bản đã làm xong. Các chuyên gia hiện đang trao đổi xem chỗ nào còn thiếu sót, chưa chuẩn để hoàn thiện.

"Thực tế Bộ GD-ĐT không phải một vài ngày gần đây mới bắt tay làm. Khi mà môn Sử có khả năng bắt buộc thì Bộ đã có động thái và giao cho các nhà khoa học chuẩn bị có ý kiến. Khi bắt tay vào thì các chuyên gia làm được ngay". 

Ngay khi chỉnh sửa chương trình, thẩm định lại, ban soạn thảo sẽ biên soạn tài liệu tập huấn và lịch trình tập huấn sẽ thực hiện từng bước. Tiếp theo sẽ đưa vào tổ chức giảng dạy đại trà.

"Thực ra chuyển môn Sử từ lựa chọn sang bắt buộc cũng là nguyện vọng của phụ huynh, người ta muốn con em được giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước và trách nhiệm với tổ tiên, với ông cha. Môn Lịch sử có được lợi thế đó so với các môn học khác. Các phụ huynh hoàn toàn yên tâm, những kiến thức này cũng là kiến thức phổ thông trang bị để nếu như các con không theo ngành Sử học, không theo ngành Khoa học xã hội, nhân văn thì cũng tạo ra một nền tảng tốt để hình thành con người Việt Nam”,  GS Đỗ Thanh Bình chia sẻ với phụ huynh có con năm nay bước vào lớp 10 THPT.

Nghe trao đổi của GS Đỗ Thanh Bình tại đây:

 

Từ khóa: lịch sử, bắt buộc, tự chọn, giáo dục phổ thông mới, chương trình 2018, chỉnh sửa môn Lịch sử, GS Đỗ Thanh Bình, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập