Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - Điểm đến của tri thức và sáng tạo
Cập nhật: 06/12/2022
Bị cáo Trịnh Văn Quyết vắng mặt, hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án FLC
Công an thành phố Thủ Đức khởi tố nhiều đối tượng gây rối trật tự công cộng
(VOV5) -Sau hai năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 trở lại với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là một hoạt động thường niên, nhằm hiện thực hóa cam kết với Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khi Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo. Tiếp nối thành công của tuần lễ khởi nguồn sáng tạo năm 2021, lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 (từ 11 – 20/11) tiếp tục khẳng định nguồn lực sáng tạo của Hà Nội thông qua kết nối các nghệ sĩ, các nhà thiết kế sáng tạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cổng sáng tạo - công trình mang tính biểu tượng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022. Ảnh: Miên Hạo/ hanoimoi.com.vn |
Tại khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm, các không gian được sắp xếp xen kẽ, dẫn dắt người xem đến với những sáng tạo đa dạng và độc đáo. Có thể kể đến như không gian “Truyền thống”, sử dụng những vật liệu thuần Việt và thân thiện với môi trường như tre, trúc… để kết cấu công trình. Cách đó không xa, không gian “Hội nhập” lấy cảm hứng sáng tạo từ chính Tháp rùa, cầu Thê Húc… và tái sử dụng những nguyên liệu cũ để tạo hình…
Trong khuôn khổ lễ hội, còn có nhiều không gian, hoạt động trải nghiệm, tương tác khác, như: Không gian trải nghiệm sáng tạo “Khoe chơi” lấy nét đẹp văn hóa Hà Nội xưa và nay làm cảm hứng xuyên suốt; không gian “Đưa di sản tới đương đại bằng công nghệ thực tế ảo”, góp phần mô tả rõ hơn, đa chiều hơn về một Thủ đô di sản... Tất cả đều mang tới cho công chúng những trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Một số du khách chia sẻ: "Ngoài việc ngắm những vật phẩm được trưng bày ở đây, tôi còn biết được nhiều hơn về cội nguồn của áo dài cũng như hình ảnh áo dài, hình ảnh dân tộc Việt Nam. Khi bước vào không gian này, cảm thấy nó rất truyền thống, kiểu bình yên. Việc mặc áo dài và đi trong khuôn viên này khiến mình cảm thấy được hoà mìnhvào văn hóa đặc trưng của Việt Nam."
"Tôi thấy không gian có sự kết hợp giữa hiện đại và cổ truyền. Ánh sáng và bố cụcrất hiện đại và trang nhã, tinh tế. Còn khi đi vào từng cấu phần thì thấy từng tác phẩm nghệ thuật rất hiện đại, vẫn là truyền thống nhưng được cách điệu lên."
Giới thiệu một tác phẩm tại triển lãm “Ego - Người” trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022. Ảnh: Miên Hạo |
Ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị ghi danh trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu năm 2019, Hà Nội đã cam kết với UNESCO về xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến xây dựng thành phố sáng tạo. Và Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa cam kết đó.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng: "Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, Hà Nội đã không ngừng mở rộng tầm nhìn để trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á và xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa năng động qua những sáng kiến bao trùm và hợp tác công tư. Đó là lý do UNESCO rất vui khi được chung tay với lãnh đạo thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, một nền tảng cho các tài năng thuộc khắp các lĩnh vực tụ hội lại để cùng hợp tác và phát triển. Lễ hội cũng là một cách đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố. Các cá nhân sáng tạo của Việt Nam đang một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo của họ có thể đóng góp cho việc dựng xây thành phố vì lợi ích cho mỗi công dân nơi đây."
Trên thế giới, hiếm có thủ đô của nước nào có được sự kết hợp nhiều giá trị lịch sử văn hóa như thủ đô Hà Nội với kho tàng di sản văn hóa phong phú đa dạng, gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề đặc biệt.
Hà Nội đang là một trong những thành phố có cơ cấu dân số vàng cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo với các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo. Hà Nội đã và đang có đầy đủ tiềm năng lợi thế trở thành vườn ươm, nơi hội tụ thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội, nhấn mạnh: "Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của thủ đô và đất nước. Đáng chú ý là việc ưu tiên triển khai hiệu quả thiết thực chương trình mục tiêu của thành phố Hà Nội về bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thủ đô Hà Nội, các dự án, các công trình văn hóa trọng điểm, như: Thành phố sáng tạo của UNESCO, Đền thờ Ngô Quyền, thành Cổ Loa…
Các công trình văn hóa mới tiêu biểu có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới, và đô thị văn minh. Thành phố cũng đang tích cực, kiên trì, sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."
Sau hai năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 trở lại với quy mô lớn nhất từ trước tới nay về cả không gian, thời gian tổ chức lẫn số lượng, sự đa dạng các hoạt động, sự kiện. Thông qua sự kiện này, thành phố Hà Nội mong muốn toàn thể nhân dân cùng chung tay xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo của UNESCO; đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5