Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roộc Răm
Cập nhật: 25/01/2023
VOV.VN - Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh nói riêng và các bản của người Thái ở miền núi Thanh Hóa nói chung.
Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia độc đáo
Lễ hội diễn ra với mục đích tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, tiếp tục làm nương rẫy tốt. Nội dung tế lễ thần linh gồm: Mường Trời, thổ địa, thần núi, thần rừng, Thành hoàng. Làm Lễ cơm mới, Lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, cầu lành cho dân. Tổ chức chơi “bói hoa”, diễn tả một số trò chơi dân gian mô phỏng việc lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người xưa, trong xã hội Thái cổ truyền.
Theo chân cán bộ văn hóa xã Xuân Phúc đến làng Roộc Răm, gặp và trò chuyện cùng Nghệ nhân ưu tú Lò Đình Ước là đời thứ 9 của nhà Mo đứng ra chủ trì giúp dân làng tổ chức làm Lăm chá Kin Chiêng Booc Mạy và được biết: Làng Roộc Răm có ba dân tộc cùng chung sống là người Kinh, người Mường và người Thái, trong đó người Thái chiếm số lượng nhiều nhất. Trước kia dân làng tổ chức vào dịp tháng Giêng, tháng Hai, theo chu kỳ cứ ba năm làm “đại”, hằng năm làm “tiểu”. Năm làm “tiểu” diễn ra ở phạm vi các gia đình, còn những năm dân làng tổ chức làm “đại” thì tục lệ này được diễn ra tại Đền Cấm - nơi làng thờ Thành hoàng - ông Trần Công Bát. Để tiến hành làm Lăm chá Kin chiêng Boọc Mạy, đồng bào Thái ở Roộc Răm phải tiến hành làm lễ “Tem phạ” (lễ hết sấm nộp tang Trời), được bắt đầu từ tháng 9 (Âm lịch), mọi nhà đều phải treo các dải chỉ xanh đỏ - để tang Trời 3 ngày.
Cây bông được xem là “linh hồn” của lễ tục, tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản Mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Công tác chuẩn bị cây bông cho lễ hội được bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp. Ông Ước cho biết: Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 tầng. Hiện nay, cây bông trong Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roộc Răm được làm 9 tầng (tương xứng với đời Mo thứ 9), mỗi tầng có hàng trăm nhánh. Cây bông ở đây khác với các địa phương khác là thân cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, với hàng ngàn bông hoa đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Hoa được gọt, tiện từ thân cây trong rừng như cây sao, trám, chôm… Sau đó đem đồ chín, phơi khô, nhuộm màu bằng nhựa các loại vỏ cây cũng lấy trong rừng như cây sấu, nghèn vàng, cánh kiến… Cùng với những bông hoa là các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất được đan bằng nứa cũng treo lên cây bông.
Tại Đền Cấm dân làng dựng cây bông, thầy Mo tế lễ thần linh, thổ công, thần núi, thần sông, thần rừng, thành hoàng mời tất cả cùng về đền Cấm dự cơm mới và cùng dân làng làm Lăm chá Kin chiêng boọc mạy. Thầy Mo sử dụng dụng cụ gia tuyền như ấn, kiếm, lệnh, quạt lông công, chuông, quần, áo, mũ, khăn, dây thắt lưng, trống âm. Nhạc cụ gồm: cồng, chiêng, tiêu, sáo, khèn bè, ống gõ, chày dã, trống da trâu. Lời cúng trong buổi lễ thuộc văn tự cổ sử dụng làn điệu khắp.
Lễ tục này kéo dài từ một đến ba ngày đêm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong làng bản. Dân làng tổ chức vũ hội như: Múa cây Bông, đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp và một số trò diễn khác như: Đánh mảng, nhảy sạp, ném còn, hát múa dưới cây bông, đánh trống âm để đuổi ma tà, gà đẻ trứng, trò trâu trời xuống mường dưới đi cày ruộng... Vì thế mà nó đã có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái. Việc tổ chức tục lệ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính kết nối cộng đồng, trên tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai, địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục và tinh thần nhân văn cao cả.
Hình thức nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong lễ tục đã thể hiện tính cộng đồng trong bản Mường rất chặt chẽ, đó là khát vọng tự do, bình đẳng, không phân biệt giai cấp, sang giàu, nghèo hèn, giữa người với nhau, giữa con người với trời đất thần linh. Đó chính là nhân sinh quan, vũ trụ quan, thiên - địa - nhân hòa hợp - một ước mơ giản dị của con người, đồng thời thể hiện khát vọng được hưởng thụ và sáng tạo: người nhập vai “thần”, đóng vai “Mường Trời” đã mượn cái “huyền ảo” cái “linh thiêng” cái “uy” của “thần” để nói cái thực ở đời, răn dạy người đời điều chỉnh các hành vi văn hóa của con người, không làm điều ác, sống yêu thương nhau và làm điều tốt lành. Những lời cúng thần linh, lời dặn cây bông, lời cây thuốc, lời các trò chơi, trò diễn thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả của người lao động. Cuối lễ hội, từng người tự lên hái hoa đưa cho “thần” xem, chỉ trừ một vài trường hợp “đặc biệt” mới được thầy cho hoa đem về nhà. Người dân quan niệm, ai được như vậy là người vô cùng may mắn, tối kỵ về việc tự tiện hái hoa, phá cây bông thờ.
Các loài vật, muông thú rất được coi trọng
Người Thái khi làm lễ tục này họ rất coi trọng các loài muông thú, vật nuôi. Trong những câu ví cửa miệng họ đều ví với các loài vật: Lời nói vui như chim toen khoẻn hót, giọng nói ngọt như mật con ong tháng ba… Bởi họ cho rằng, tất cả chúng đều gắn bó với đời sống đồng bào và chúng đều có linh hồn: “Hết năm cũ lại sang năm mới cứ vào tháng Giêng, Hai làng đến kỳ mở hội, cây Bông mường lại được dựng lên, các thần linh của mường Trời, các thần linh thổ địa, các thần núi thần sông lại trở về hiện linh vào cây Bông của mường, có đủ linh hồn chim muông thú”.
Việc bắt lợn, bắt gà để làm thịt sắm mâm cơm lễ thần cũng được tiến hành theo nghi lễ, vừa làm vừa có lời khấn. Chẳng hạn như bắt lợn làm thịt khấn rằng: “Lợn ơi lợn, vua Then cho mày xuống lương gian, mày xuống lương gian, mày ở ngoài rừng, mày sợ hổ bắt ăn thịt, mày phải về ở với người lương gian được nuôi nấng. Người lương gian bảo rằng: Về đây tao làm chuồng cho mày ở, nấu cám cho mày ăn, nay đến ngày có công có việc, phải bắt mày để làm thịt làm lễ Lam chá lấy thịt mày làm lễ Kin Chiêng. Lời người nói như vậy, mày đừng oán giận, người lấy cám ra cho mày ăn bữa cuối, trai làng vào cầm chân sau mày đừng đá, cầm chân trước mày chịu ngã, trói mày như trói dê, thật chặt đem mày cắt tiết, làm thịt, lấy thịt mày làm bữa, hồn mày về trời đứng oán nhé”.
Hay như nội dung bài cúng được khắp bằng tiếng Thái cũng không quên nhắc đến các loài muông thú: Đi xuống đến nương rẫy nhà Trời vào chọi chim khiếu, đi đến nương nhà Trời vào chọi chim cu, chim sáo, nơi này có ma quấn quýt bên nhau. Xuống đến rừng núi mường trời chim quạ đậu, ma mường trời chặt cây đánh dấu mường. Voi cùng ngựa ra đi nhanh xuống đến đất mường dưới lương gian...
Hiện nay, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị. Ông Lê Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc chia sẻ, đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo ra từ lâu đời, nó được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay nó đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn./.
Từ khóa: Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, làng Roộc Răm Thanh Hóa, lễ hội người Thái Thanh Hóa
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN