Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các tỉnh, thành

Cập nhật: 06/12/2023

VOV.VN - HĐND các tỉnh, thành tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với hàng loạt chức danh do HĐND bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai kịp thời.

Sáng nay (6/12), Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm 29 chức danh do HĐND tỉnh bầu.

Đối với Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị là 1 trong 5 người có số phiếu “tín nhiệm cao” cao nhất, gồm 42 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 85,7%), 5 phiếu tín nhiệm (chiếm 10,2%), 2 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 4%). Ông Nguyễn Trần Huy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cùng có 42 phiếu “tín nhiệm cao”. 

Đối với khối UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài Chính; ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có số phiếu “tín nhiệm cao” cao nhất là 42/49 phiếu. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có 41/49 phiếu “tín nhiệm cao”.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có 37/49 phiếu “tín nhiệm cao”. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng là người có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất với 9/49 phiếu. Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Công Thương chỉ có 19 phiếu “tín nhiệm cao”, là người có phiếu "tín nhiệm cao" thấp nhất trong số những người được lấy phiếu.

HĐND tỉnh Quảng Bình lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ

Sáng nay (6/12), HĐND Quảng Bình khóa VIII khai mạc kỳ họp cuối năm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024; trả lời các kiến nghị cử tri; lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình thực hiện đạt và vượt kế hoạch 17/21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cao hơn bình quân chung cả nước. Kinh tế tỉnh Quảng Bình có xu hướng phục hồi, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,2%; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến hết tháng 11 của tỉnh này ước đạt gần 67% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình còn 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp; thu ngân sách mới đạt 5.700 tỷ đồng trong khi kế hoạch là 7.000 tỷ đồng; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa đạt.

Có 52 ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp lần này. Các kiến nghị, phản ánh này tập trung vào 7 vấn đề chính là phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh; công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; vấn đề bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số.

Một số vấn đề hiện nay chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý gây bức xúc trong Nhân dân như chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư, khu nghĩa địa cho các hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Dự án Đường ven biển, tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra.

Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, những vướng mắc, khó khăn chưa được Trung ương hướng dẫn giải quyết cụ thể, kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn và kết quả thực hiện chung. Giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ được 21,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,5%.

Trong ngày làm việc đầu tiên, HĐND tỉnh Quảng Bình sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 30 người giữ chức vụ do HĐND bầu, gồm 5 lãnh đạo HĐND tỉnh, 25 lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với HĐND tỉnh tại Kỳ họp là phải thẳng thắn đánh giá khách quan và toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại, nhất là những hạn chế kéo dài trong quá trình chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt là tập trung phân tích, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương liên quan. Từ đó, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bứt phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong năm 2024”.

Kỳ họp cuối năm HĐND TP.HCM đánh giá toàn diện tình hình KT - XH

Sáng nay (6/12), HĐND TP.HCM khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm) để đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đồng thời, thảo luận, xem xét thông qua các Nghị quyết quan trọng. Kỳ họp cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị Thành phố. Tại kỳ họp cũng sẽ diễn ra hoạt động chất vấn một số sở ngành và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, năm 2023, Thành phố cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra, có 13/21 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 8 chỉ tiêu dự kiến không đạt. Các lĩnh vực kinh tế Thành phố đều có mức tăng trưởng khá, nhiều dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn Thành phố ước tăng 5,81% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 10,8% so với năm 2022. Tổng doanh thu du lịch trong năm 2023 tăng 22% so với cùng kỳ, khách quốc tế đến Thành phố tăng 44,3%....

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng, tác động của tình hình thế giới, làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của Thành phố nói riêng bị ảnh hưởng; đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2%; nhập khẩu giảm 13%); thu ngân sách chỉ đạt 93,53% dự toán; thu hút vốn FDI giảm 23,8%…

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị các đại biểu HĐND nghiên cứu thật kỹ, xem xét các báo cáo, tờ trình của UBND Thành phố, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố. Từ đó, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2024, nhận rõ những kết quả đã đạt được, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, những thách thức, khó khăn và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này đóng vai trò quan trọng, mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Thành phố: "Trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình thế giới, trong nước, và Thành phố trong thời gian tới. Từ đó đề xuất, quyết định các chủ trương, chính sách, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và tìm ra các giải pháp, qua đó, góp phần tạo sự đột phá toàn diện nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn Thành phố".

Kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trong 3 ngày. Trong buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ.

Cần Thơ sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu

Ngày 6/12, Kỳ họp lần thứ mười ba của HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã chính thức khai mạc. Tại kỳ họp HĐND thành phố Cần Thơ sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu và thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn những nội dung được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, thành phố bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố, với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương và sự quyết tâm đồng lòng đã vượt khó cùng chung tay xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ cho biết, năm nay tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 5,75%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tăng mạnh; tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân; sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng và phát triển toàn diện, sản lượng của ngành nông nghiệp vượt kế hoạch đề ra; thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tăng khá cao so với đầu năm; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, sức lan tỏa và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cho rằng, tăng trưởng kinh tế của thành phố được duy trì nhưng còn chậm; công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với mục tiêu, tiến độ; tình hình thuốc, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác chuyển đổi số tiến độ thực hiện còn chậm.

Trước những khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2024 theo nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố đề ra. Kỳ họp này, HĐND thành phố Cần Thơ sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu.

Ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của đại biểu HĐND thành phố đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đề nghị mỗi đại biểu HĐND thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với tổ chức, hoạt động của HĐND thành phố và UBND thành phố, để đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do HĐND thành phố bầu.

Trình bày báo cáo kinh tế, xã hội trong năm nay và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, trong năm 2023 thành phố tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phục hồi sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng khá so năm 2022, ước quy mô nền kinh tế của thành phố năm nay đạt trên 118.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.Ngoài ra, thành phố đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên địa bàn hơn 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2022. Đến nay, thành phố có 82 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,3 tỷ USD.

Trong năm 2024, thành phố sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế; cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ; tìm động lực mới tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách,huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh, năm 2024 là năm cần tạo sự bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), đòi hỏi thành phố chủ động với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh, có giải pháp thực hiện quyết liệt, hiệu quả, gắn với khả năng cân đối, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ.

"Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách theo quy định, giữ vững ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, tận dụng các cơ hội cho phát triển. Tạo chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, trọng tâm là kinh tế số và tăng trưởng xanh. Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế"- Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nói.

Kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Cần Thơ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/12, kỳ họp này HĐND thành phố Cần Thơ sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn,lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu và thông qua một số Nghị quyết quan trọng tại kỳ họp.

Kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Đắk Lắk xem xét nhiều vấn đề quan trọng

Sáng nay (6/12), HĐND tỉnh Đắk Lắk khai mạc kỳ họp thứ 7, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp cuối năm để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2024 và cho ý kiến nhiều chương trình, dự án quan trọng của tỉnh. Dự kiến kỳ họp diễn ra trong 3 ngày.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk thảo luận, xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với các báo cáo, tờ trình liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2024 và nhóm nội dung thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2024 và nhóm nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư, các Chương trình mục tiêu quốc gia,  phê chuẩn quyết toán năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và nhóm nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, chính sách ưu đãi chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột theo tinh thần Nghị quyết 72 của Quốc hội, quy định chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, buôn, tổ dân phố nhằm triển khai Nghị định 33 năm 2023 của Chính phủ và nhóm nội dung liên quan đến biên chế, các chính sách hỗ trợ khác.

Cùng với đó là nhóm nội dung liên quan đến tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh và thành lập đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2024.

Thực hiện chức năng giám sát, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ xem xét các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nghe Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền, xem xét kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri và tiến hành phiên thảo luận…

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, những ý kiến và quyết nghị tại kỳ họp sẽ tạo cơ sở pháp lý, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bà Huỳnh Thị Chiến Hoà đề nghị, các đại biểu căn cứ vào quy định pháp luật, tình hình thực tiễn; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết nghị các nội dung thuộc thẩm quyền; góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Từ khóa: quảng trị, quảng trị,chủ tịch ubnd tỉnh quảng trị, họp hđnd các tỉnh

Thể loại: Nội chính

Tác giả: nhóm pv/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan