Làng Chăm lớn nhất Đồng Nai đổi thay nhờ chính sách hỗ trợ đặc biệt
Cập nhật: 25/09/2019
Kiểm định khí thải xe máy: Cần lộ trình xã hội hóa và tránh phiền gây phiền hà
Luật sư và đại diện CSGT nói gì về hành vi bỏ xe, không nộp phạt
VOV.VN -Từ một vùng kinh tế khó khăn với những phong tục truyền thống có phần lạc hậu, làng Chăm ở tỉnh Đồng Nai đang đổi thay từng ngày nhờ hỗ trợ đặc biệt.
Làng Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc có hơn 2.200 nhân khẩu, là làng Chăm lớn nhất tỉnh Đồng Nai với hơn 90% đồng bào dân tộc Chăm của Đồng Nai tập trung sinh sống tại đây. Những năm trước đây, người làng Chăm thường sống cuộc sống khép kín, chỉ quan hệ với nhau trong bản làng. Hủ tục này khiến đời sống của đồng bào Chăm gặp không ít khó khăn. Chưa kể, kinh tế của làng chỉ phụ thuộc vào canh tác 2 vụ lúa nước nên cuộc sống càng thêm vất vả.
Bà con làng Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc thu hoạch thanh long (ảnh báo Đồng Nai) |
Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhờ đó mà đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt.
Gia đình ông Abtukholick có hơn 1 ha đất canh tác, nhưng suốt nhiều năm trời, mảnh đất này không giúp đời sống của gia đình ông khá giả bởi lối canh tác kiểu cũ, đói nghèo luẩn quẩn. Cách đây 4 năm, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Abtukholick đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng nông nghiệp huyện. Với số tiền này trong tay, ông chuyển sang chăn nuôi bò và chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang cây thanh long ruột đỏ. Nhờ chăm chỉ lao động, nên vườn thanh long luôn tươi tốt cho năng suất cao, mỗi năm mang thu nhập về cho gia đình ông hơn 400 triệu đồng.
Từ một hộ nghèo, nay ông Abtukholick đã là một nông dân sản xuất giỏi. Ông cho biết: “Lúc trước tôi chỉ trồng 500 trụ, sau đó mới từ từ nhân rộng thêm đến nay được hơn 1000 trụ. Mỗi tháng lứa cho thu nhập 50-60 triệu, có khi 20-30 triệu tùy theo giá vụ”.
Thực hiện chủ trương về công tác đối với người Chăm và phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Xuân Lộc đã có nhiều giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc Chăm. Các chương trình 134, 135 khi được triển khai đã mang đến diện mạo mới: nhà ở, đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch sinh hoạt… được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sản xuất và nước sạch sinh hoạt… Ngoài ra, người làng Chăm còn nhận được nhiều hỗ trợ khác như hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, cấp phát cây, con giống phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.
Ông Abdohamit- Trưởng ban giao cả Thánh đường Hồi giáo làng Chăm, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc cho biết: “ Nhờ Đảng nhà nước nên kinh tế làm chăng khấm khá lên rất nhiều có đường, điện, trường học, con cái chúng tôi học hành đầy đủ. Hơn nữa có nhiều công ty xí nghiệp về đây nên con em chúng tôi có việc làm ổn định, các gia đình ngày càng phát triển”.
Đời sống ngày càng phát triển nên, đồng bào dân tộc Chăm ở Xuân Hưng cũng tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào xây dựng nông nông mới. Hiện làng Chăm có 2 đảng viên và 1 trung kiên; khoảng 800 người là đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể địa phương.
Cũng chính từ kinh tế phát triển nên đời sống văn hóa của bà con cũng được nâng lên rất nhiều. Đội ca múa nhạc của làng Chăm đã được khôi phục và phát triển mạnh, hầu hết các sự kiện văn hóa - văn nghệ trong tỉnh cũng đều được ban tổ chức mời đến biểu diễn.
Đến làng Chăm hôm nay, mỗi người đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt từng ngày. Thành quả ở làng Chăm thể hiện cho sự đoàn kết, vươn lên của người dân nơi đây, với những chính sách của Đảng, Nhà nước, người Chăm cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng bản làng ngày thêm khang trang giàu đẹp./.
Từ khóa: làng chăm, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, hỗ trợ đặc biệt, phong tục truyền thống,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN