Lần đầu tiên thí sinh tranh tài nghề khai thác mỏ

Cập nhật: 05/12/2021

[VOV2] - Lần đầu tiên, 3 nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò được đưa vào Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia. Đây đều là 3 nghề đặc thù, nguy hiểm đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao của người lao động.

Ngày 04/12, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức các môn thi Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 tại hội đồng thi số 5 trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam.

Tại hội đồng thi số 5, trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ tổ chức thi 3 nghề theo hình thức trực tiếp là: Nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Nghề Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Nghề Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, định kỳ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đều tổ chức cuộc thi Thợ giỏi cấp Tập đoàn. Tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021, lần đầu tiên 3 ngành nghề đặt biệt, đặc thù của khai thác mỏ hầm lò được đưa vào kỳ thi là sự quan tâm rất lớn của Ban tổ chức cũng như quyết tâm của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, hiện tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam có khoảng 98 nghìn lao động và hầu hết làm việc tại môi trường đặc biệt, nguy hiểm. Trong đó, 3 nghề: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò là 3 nghành nghề đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong lao động sản xuất. Người lao động phải đảm bảo tính đồng đội, đoàn kết, kỷ luật và phải thực hiện nghiêm quy trình, quy phạm làm việc. Chỉ 1 công nhân ý thức thấp kém, kỹ năng yếu có thể dẫn đến sập hầm lò và gây ra tử vong cho người lao động.

Từ những đặc thù ngành nghề như vậy nên theo TS. Nguyễn Quốc Tuấn, 3 nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò được Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ngoài trực tiếp đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh, học sinh-sinh viên theo học những ngành, nghề này được tài trợ tiền học, tiền ăn, sinh hoạt phí và đảm bảo công ăn, việc làm sau đào tạo.

“Tất cả những lao động làm việc tại mỏ hầm lò đều được đánh giá kiểm định kỹ năng nghề. Đặc biệt, kể từ khi đẩy mạnh kiểm định, đánh giá kỹ năng nghề thì thống kê tai nạn hầm lò đã giảm hẳn, tất cả phải theo quy trình nghiêm ngặt. 47 lao động, thí sinh tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề lần này cũng đều được đánh giá, kiểm định kỹ năng nghề”, ông Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, việc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam mà trực tiếp là trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam đề xuất Ban tổ chức và đứng ra đăng cai tổ chức 3 nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Nghề Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của sinh viên, người lao động, vì sự phát triển an toàn, bền vững của ngành khai thác Than-Khoáng sản.

Liên quan đến việc tổ chức 3 nghề liên quan đến khai thác mỏ, ông Ngô Xuân Khoa – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết, vì đây đều là những ngành nghề đặc thù, độc hại, nguy hiểm nên yêu cầu quan trọng nhất được đặt ra là đảm bảo sự an toàn; 100% thí sinh, thành viên ban tổ chức và cán bộ, người lao động tham gia công tác tổ chức kỳ thi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và phải âm tính với Covid-19...

“Đặc biệt là khai trường, vị trí thi tương tự như trong thực tế sản xuất tại  mỏ hầm lò. Mỏ hầm lò như thế nào thì thí sinh sẽ dự thi trong môi trường như vậy. Các thiết bị được sử dụng trong quá trình thi tương tự với các thiết bị được sử dụng trong sản xuất. Riêng đối với nghề xây dựng mỏ hầm lò cũng có đường lò, có hệ thống hai lớp và bên trong có lớp đất đá để lắp đặt các thiết bị neo”, ông Khoa cho biết.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 đối với 3 nghề thi trực tiếp tại hội đồng thi số 5 trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đề xuất Ban tổ chức tổ chức 3 nghề rất đặc thù của khai thác mỏ thể hiện sự cam kết của Tập đoàn nói chung và trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam nói riêng về việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người học, người lao động.

Tuy nhiên, điều mà PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương mong đợi hơn nữa là sau kỳ thi, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam sẽ là mô hình mũi nhọn trong việc tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh lao động giỏi, có kỹ năng nghề cao.

“Ngoài sự tôn vinh của Ban tổ chức, của Bộ LĐ-TB-XH, sự đãi ngộ, tôn vinh người lao động đạt giải cao tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia từ chính Tập đoàn Than-Khoáng sản sẽ tạo sự lan tỏa rất lớn về giá trị kỹ năng nghề”, bà Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.  

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định, Kỳ thi Kỹ năng nghề lần thứ 12, lần đâu tiên cả thầy, trò, người lao động cùng tham gia dự thi nên tính cạnh tranh sẽ rất cao. Cũng có thể trò đạt giải mà thầy không đạt giải và từ đó có thể thấy tầm quan trọng của việc học, nâng cao trình độ liên tục của cả người học, người dạy. 

Ông Trường đặc biệt nhấn mạnh, Hội đồng thi số 5 nói riêng và các Hội đồng thi khác phải đặc biệt quan tâm tới sự minh bạch, công bằng, công khai trong quá trình tổ chức thi. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giám sát, chấm thi, coi thi. Trước khi kỳ thi chính thức diễn ra, đề thi cần phải có sự điều chỉnh (thay đổi không quá 30%), tăng độ khó để đảm bảo phân loại thí sinh. 

Theo kế hoạch, hội đồng thi số 5 tại trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam, 47 thí sinh sẽ chính thức tranh tài từ ngày 07/12-11/12.

Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 diễn ra từ ngày 02/12-12/12. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 06/12 và bế mạc vào ngày 12/12.

Để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19, trước mắt kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 tổ chức thi 14 nghề, trong đó 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến (do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long chủ trì) và 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chủ trì).

Một điểm đặc biệt của kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần này là hầu hết các nghề được tổ chức theo phương thức xã hội hóa (10/14 nghề).

Từ khóa: khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ, cơ điện, Kỹ năng nghề quốc gia, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập