Làm sao để khách đến sân bay Việt Nam là muốn quay lại nhiều lần nữa?

Cập nhật: 05/11/2024

VOV.VN - Đẩy mạnh hợp tác để phát triển dịch vụ và bán lẻ tại các cảng hàng không Việt Nam. Đó là nội dung được thảo luận tại Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới "The Trinity Forum 2024" diễn ra trong hai ngày 5-6/11 tại TP.HCM. Diễn đàn do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) tổ chức.

Đa dạng sản phẩm hàng hóa                                                                                                

Diễn đàn có hơn 400 CEO, lãnh đạo cấp cao của các sân bay quốc tế và các tập đoàn kinh doanh bán lẻ, dịch vụ hàng không hàng đầu thế giới như Avolta, Qatar Duty Free, Diageo Global Travel, Dubai Duty Free… tham gia.

Hiện nay, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam- CTCP (ACV) đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó 10 cảng hàng không quốc tế.

Công suất khai thác năm 2023 là 120 triệu hành khách, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, doanh thu đạt 800 triêu USD.

ACV đầu tư 16 triệu USD cho các sân bay ở Hà Nội và TP.HCM. Thời gian tới, đơn vị này phấn đấu mỗi năm đạt 283 triệu lượt khách, mục tiêu thông qua bán hàng, ăn uống và dịch vụ tại sân bay chiếm 40% doanh thu của ngành.

Ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Thương mại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết:  Qua hội nghị này để học hỏi kinh nghiệm và mong muốn hợp tác với những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới làm đa dạng, phong phú hơn hàng hóa hơn tại các cảng hàng không của Việt Nam. ACV cũng muốn phát triển Airport city tại các cảng hàng không, mang nhiều lợi ít về thương mại, du lịch và trải nghiệm khách hàng tại các cảng hàng không.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị-Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, Việt Nam đã và đang mở rộng các cảng hàng không. Nếu mở rộng mà không có dịch vụ và bán lẻ thì du khách không thích thú. Vì khách đi quốc tế thường muốn mua sắm nhưng chúng ta đang thiếu điều này. "Chúng ta đang ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng ưu cao, tuy nhiên chúng ta cần cải tạo mặt bằng sân bay để các thương hiệu lớn xứng tầm vào, khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, đa dạng hàng hóa để phục vụ khách hàng khác nhau từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…".

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng phải sẵn sàng về dịch vụ, hàng hóa phục vụ hành khách để họ đến và quay trở lại; cùng nhau hợp sức để tạo dựng một môi trường dịch vụ bán hàng có chất lượng, và có đầy đủ những phương tiện và dịch vụ để cung cấp cho khách hàng. 

Chuyển đổi số

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hàng hóa để thúc đẩy phát triển thương mại ở khu vực sân bay, nhiều lãnh đạo các hãng hàng không cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số tìm hiểu nhu cầu, hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng khi họ tham gia các chuyến bay.

Ông Thabet Musleh, Giám đốc điều hành Bán lẻ và dịch vụ khách hàng, Qatar Airways chia sẻ: "Chúng ta phải biết tận dụng dữ liệu, phải thu thập được dữ liệu để có thể chuyển đổi số. Chúng ta có thể thông qua các kênh khác nhau như mạng xã hội, gửi tin nhắn cho khách hàng. Nhưng đầu tiên, chúng ta cần có dữ liệu trước để biết rằng khách hàng là ai trước khi có thể chuyển đổi số".

Còn làm gì để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bán lẻ đến khai thác dịch vụ sân bay?, ông Martin Moodie, Nhà sáng lập và Chủ tịch The Moodie Davitt Report cho rằng: "Chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai là khách hàng phải có nhiều lựa chọn, sản phẩm cho tất cả khách hàng. Chúng ta cần phải cân nhắc đến sự kết hợp cho tất cả các nhãn hàng địa phương và nhãn hàng quốc tế. Vì khách du lịch muốn tìm kiếm những trải nghiệm quốc tế cũng như là trải nghiệm mang tính địa phương. Do đó, nếu các sân bay của Việt Nam có thể cân bằng được những sản phẩm quốc gia, địa phương cũng như là những thương hiệu toàn quốc thì đó sẽ là chìa khóa chúng ta dẫn đến thành công".

Theo ông Justin Erbacci, Tổng Giám đốc ACI toàn cầu: Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, là một trong những sân bay có sự tăng trưởng hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một cơ hội để Việt Nam có thể mở rộng về doanh thu. Tuy nhiên, Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều sân bay mới với chi phí đầu tư cao. Vì vậy, ACV phải nghĩ ra nhiều cách hơn với mô hình kinh doanh mới để có thể tăng doanh thu.

Điều quan trọng là Việt Nam tuy đang tăng trưởng tốt nhưng cũng đang đứng trước thời đại tăng trưởng mới. Do vậy, chúng ta cần phải tạo ra những nguồn thu mới bằng cách hợp tác với các bên: nhà bán lẻ, sân bay, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ F&B để tìm ra những mô hình hợp tác mới, những động lực tăng trưởng mới trong trưởng mới trong tương lai.

Từ khóa: hợp tác phát triển dịch vụ, hàng không, hợp tác ,dịch vụ ,bán lẻ ,400 CEO,sân bay

Thể loại: Xã hội

Tác giả: lệ hằng-ctv ngọc anh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập