Làm rõ những nghi vấn trong hoạt động của Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Thái Bình

Cập nhật: 28/07/2022

VOV.VN - Mặc dù hoạt của Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) không có lãi nhưng Chủ tịch HĐQT không căn cứ vào kết quả kinh doanh mà tự xác định lãi vốn góp của cổ đông theo lãi suất ngân hàng

Tính lãi cổ phần góp vốn theo lãi suất ngân hàng

Đại diện giáo viên, cổ đông Trường THPT tư thục Nguyễn Công Trứ (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vừa có đơn thư phản ánh những hành vi vi phạm của ông Phạm Xuân Ruyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường trong công tác quản lý nhà nước, quản lý giáo dục. Đơn thư nêu rõ, trong 14 năm làm chủ tịch của ông Ruyện, hoạt động giáo dục và tuyển sinh suy giảm nghiêm trọng, từ lúc có 658 học sinh giờ chỉ còn 44 học sinh; thiếu minh bạch tài chính; tự ý tạm ứng, rút vốn góp… "chuyển giao" trường cho doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, việc ông Ruyện tính lãi vốn góp cổ đông theo lãi suất ngân hàng ở từng thời điểm, trong khi trường là cơ sở hoạt động giáo dục.

Ông Đinh Văn Tân - cổ đông sáng lập, Trưởng Ban kiểm soát, hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết: Là trường dân lập chuyển thành loại hình tư thục đã hơn chục năm nhưng chưa năm nào cổ đông được chia cổ tức. HĐQT trường tính lãi cho cổ đông theo lãi suất ngân hàng căn cứ trên cơ sở cổ phần đóng góp chứ không phải theo lợi nhuận trường đạt được.

"HĐQT không căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh của trường để chia lợi nhuận cho cổ đông. Thay vào đó, HĐQT tự xác định lãi cho phần vốn góp của cổ đông theo lãi suất ngân hàng Vietcombank. Điều này có lợi cho những cổ đông lớn như ông Ruyện. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề này vi phạm quy định pháp luật", ông Tân nói.

Theo nhiều cổ đông, việc tính lãi của HĐQT trong nhiều năm qua rất ít người biết bởi ông Ruyện chỉ nói mà không công khai bằng văn bản. Nhiều cổ đông cho rằng, các quyết định này có nhiều vấn đề, ví như ngày tháng, năm ký, cũng như nội dung…

Từ năm 2009 đến năm 2021, HĐQT đã có 14 quyết định áp dụng lãi suất cho cổ đông theo lãi suất ngân hàng, cụ thể: tại Quyết định số 01/QĐ/TLCĐ ngày 31/12/2009, về việc tính lãi cổ đông hàng năm. Theo đó, quyết định quy định tính lãi cho các cổ đông có góp vốn xây dựng trường theo lãi phát sinh của ngân hàng từng thời điểm trong năm 2008-2009 (lấy theo số bình quân). Trong năm 2009, HĐQT quyết định tính lãi bình quân 12%/năm. Tương tự, năm 2011, lãi bình quân 20%/năm; năm 2012 lãi bình quân 16%/năm; 6 tháng đầu năm 2020 lãi bình quân 9%/năm; 6 tháng cuối năm 2020 lãi bình quân 7,7%/năm…

Theo phản ánh của cổ đông, vì cách tính lãi cổ phần góp vốn theo lãi suất ngân hàng “lãi mẹ đẻ lãi con” nên vốn của các cổ đông tăng chóng mặt, trong khi nhà trường kinh doanh lãi không đáng kể. Ví như, năm 2020, theo báo cáo tài chính, tổng thu của trường đạt 977.810.140 đồng, chi 970.799.000 đồng, tức là lãi chỉ hơn 7 triệu đồng (7.011.000 đồng). Tính cả quỹ tồn từ năm trước, số dư đến ngày 31/12/2020 là hơn 31 triệu đồng. 

Tuy nhiên, theo cách tính lãi suất của HĐQT (6 tháng đầu năm lãi suất 9%/năm, 6 tháng cuối năm lãi suất 7,7%/năm) vốn và lãi của trường đã tăng từ hơn 6,4 tỷ đồng lên 6,99 tỷ đồng (lãi 563.663.939 đồng). Trong đó, riêng tiền lãi của ông Phạm Xuân Ruyện trong năm 2020 đã được 156.987.512 đồng.

Tương tự, năm 2021, tổng chi của trường là hơn 897 triệu đồng, tổng thu hơn 874 triệu đồng, cùng với số tiền tồn hơn 31 triệu đồng trước đó thì số dư đến ngày 31/12/2021 của trường chỉ là 7.167.000 đồng. Tuy nhiên, ông Ruyện tính tiền lãi theo lãi suất ngân hàng cho vốn góp của trường trong năm 2021 là 279.000.160 đồng trong đó, tiền lãi của riêng ông Ruyện được tính là 79.837.441 đồng. Nâng tổng số tiền gồm cả gốc và lãi của ông Ruyện lên 2.153.537.195 đồng (vốn ông Ruyện góp khoảng 720 triệu đồng). 

Đặc biệt, từ ngày 31/1/2009, đến ngày 31/12/2020, HĐQT đã ra 14 quyết định về việc tính lãi cổ đông, nhưng đều là quyết định số 01. Thậm chí, trong 1 năm, HĐQT ra 2 quyết định về việc tính lãi cổ đông, nhưng đều là quyết định số 01. Ví như, ngày 30/6/2019, HĐQT ra quyết định số 01/QĐ/TLCĐ tính lãi 6 tháng đầu năm 2009 là 10%/năm; Ngày 31/12/2019, HĐQT cũng ra quyết định số 01 QĐ/TLCĐ tính lãi 12 tháng năm 2019 là 10%. "Liệu có hay chăng việc hợp thức hóa bằng các quyết định sau khi có đơn thư tố cáo?", ông Tân đặt câu hỏi.

Ban Kiểm soát cho rằng, cách tính lãi như vậy là vi phạm quy định. Do đó, Ban Kiểm soát đã có công văn gửi Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt hỏi về cách tính lãi của HĐQT. Chi nhánh công ty đã có văn bản trả lời Ban Kiểm soát và cho rằng, việc trường không căn cứ vào kết quả kinh doanh mà tự xác định lãi cho phần góp vốn của cổ đông theo lãi suất ngân hành ở từng thời điểm là không đúng.

Theo các quy định của Luật Giáo dục, Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành,  việc tính lãi trên vốn góp và phân phối lợi nhuận phải căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh có lãi sau khi hoàn tất các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và phải bắt buộc thông qua đại hội đồng thành viên. Phiên họp được công nhận là hợp lệ khi số thành viên góp vốn sở hữu ít nhất 51% tống số vốn điều lệ có mặt và và chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số phiếu tán thành.

Theo các cổ đông, ông Phạm Xuân Ruyện với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT đã mời một số đối tác tham gia đầu tư nhưng nhằm mục đích "chuyển giao trường" mà không thông qua các cổ đông. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - cổ đông lớn nhất của Trường THPT Nguyễn Công Trứ khẳng định, bản thân là cổ đông lớn, nhưng từ khi tham gia đến nay, bà không biết được các hoạt động tài chính, không được chia lợi tức. Bà Xuân cũng không được biết việc HĐQT mời doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. "Nếu trường khó khăn thì huy động công sức anh em, cổ đông nội bộ để góp vốn, chúng tôi sẽ sẵn sàng. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Ruyện có mục đích chuyển giao trường cho người khác. Nếu không, sao doanh nghiệp chưa đầu tư mà ông đã nhận cọc?", bà Xuân bức xúc.

Vốn góp tính theo lãi ngân hàng chỉ là “tạm tính”

Liên quan đến nội dung đơn thư phản ánh trên, ông Phạm Xuân Ruyện xác nhận đúng là thời gian qua có nhiều đơn thư liên quan đến nhà trường. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của trường, cũng như việc mời gọi nhà đầu tư.

Trao đổi về vấn đề tính lãi theo vốn góp, ông Ruyện thừa nhận 14 quyết định trên là do HĐQT ký. Tuy nhiên, việc tính lãi theo lãi suất ngân hàng là "tạm tính", sau này có tiền sẽ điều chỉnh. Về việc các quyết định tính lãi tùy theo từng thời điểm, không có văn bản nào có chữ "tạm tính", ông Ruyện cho biết, "tạm tính" là nói trong cuộc họp, mọi người đều nắm trên tinh thần như vậy.

Về việc 14 quyết định tính lãi suất đều được đánh số 01, ông Ruyện cho rằng, có thể là do nhầm lẫn.

Đối với thông tin "chuyển giao trường" trường, ông Ruyện cho biết, thời gian qua do trường khó khăn, làm ăn không hiệu quả. Bản thân ông đã đi tìm nhiều nơi, mời gọi nhiều đối tác đầu tư. Gần đây, mới có một doanh nghiệp nước ngoài đồng ý đầu tư, hợp tác. Tuy nhiên, có 2 vấn đề chính khiến cho việc hợp tác đến nay chưa được thực hiện. Đó là trường còn vướng mắc bản án số 02/2006 (từ thời trước khi nhập trường với việc phải trả một số tiền lớn mà trường đã vay từ người tiền nhiệm). Thứ hai, là đơn thư nội bộ. Đối tác yêu cầu phải xử lý dứt điểm 2 vấn đề trên mới đầu tư. "Họ rất tha thiết, cũng như đã có phương án chuyển đổi hợp lý. Hiện tại, họ đã đưa 1 tỷ đồng để trường giải quyết bản án trên và đặt cọc 2 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề nội bộ" ông Ruyện nói.

 Tính đến ngày 30/6/2021, tổng số vốn đóng góp cổ đông của ông Phạm Xuân Ruyện từ năm 2008 đến năm 2017 là 720 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Ruyện đã rút tiền cổ đông tổng số tiền hơn 345 triệu đồng, số tiền cổ đông gốc của ông Ruyện còn lại là hơn 374 triệu đồng, chiếm 15,54% vốn góp cổ đông.

Trả lời phóng viên về việc rút tiền cổ đông gốc của bản thân và việc tạm ứng tiền quỹ nhà trường, ông Ruyện cho biết, việc tạm ứng rất đơn giản - tôi tạm ứng đi chạy dự án cho nhà trường khi nào có dự án tôi thanh toán, khi nhà trường cần tôi thanh toán lại. Vì việc cần nên tôi phải lấy tiền của tôi (rút tiền-PV) nhà trường không phải chi ra. “Tôi đi chạy dự án nhà trường chưa phải thanh toán một đồng công tác phí nào, “đi chạy” hơn chục năm nay, đi tiếp khách thậm chí mất dăm trăm triệu cũng phải chấp nhận. Việc tôi rút tiền cổ đông được thông qua theo điều lệ của trường, làm đúng thủ tục như các cổ đông bình thường khác”, ông Ruyện khẳng định.

Đối với nội dung liên kết với công ty nước ngoài xây dựng trường phổ thông quốc tế nhiều cấp học, Sở GD-ĐT Thái Bình có công văn 573/SGDĐT-TCCB, ngày 23/6/2021 nêu rõ, yêu cầu Trường THPT Nguyễn Công Trứ khẩn trương giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về tài chính, tài sản, công tác nội vụ, chuyên môn của Sở GD-ĐT đảm bảo ổn định trước khi hợp tác xây dựng trước quốc tế nhiều cấp học… Đồng thời, yêu cầu trường xây dựng đề án báo cáo các cơ quan liên quan đảm bảo đúng quy định và đủ thủ tục pháp lý để nhà trường tháo gỡ khó khăn, có hướng phát triển mới./.

Ngày 25/7, HĐQT Trường THPT Nguyễn Công Trứ tổ chức đại hội để báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2017-2022, bàn nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; bầu Hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường với sự tham dự của toàn bộ thành viên góp vốn, thành viên tham gia hội đồng trường; đại diện Sở Giáo dục- Đào tạo, Công an tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên cuộc họp không đủ người nên đã hoãn./.

 

Từ khóa: Làm rõ nghi vấn tại trường Nguyễn Công Trứ, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP Thái Bình, trường tư thục, vốn góp cổ đông, lãi suất ngân hàng, ông Phạm Xuân Ruyện, chủ tịch HĐQT

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập