Làm đẹp ở trường học, đâu là giới hạn?

Cập nhật: 18/10/2022

[VOV2] - Bước vào lứa tuổi cuối THCS, học sinh xuất hiện tâm lý mới đặc biệt của tự ý thức. Đó là cảm giác "mình là người lớn” và ý thức về “cái tôi”. Nhu cầu làm đẹp để khẳng định mình cũng xuất phát từ tâm lý đó.

Làm đẹp là nhu cầu không thể chối bỏ

Ở tuổi teen, các em muốn được đối xử như người lớn, muốn có thêm sự tự do, muốn thoát khỏi những ràng buộc của gia đình, nhà trường cũng như muốn được độc lập trong suy nghĩ và hành động.

Tuy nhiên, biểu hiện “cảm giác mình là người lớn”, đi tìm “cái tôi” của các em lại thể hiện phần lớn ở vẻ bề ngoài như phong cách đi đứng, nói năng, ăn mặc.

Trong khi gia đình, nhà trường đưa ra những quy tắc, quy định nhằm bảo vệ và định hướng học sinh đến những giá trị chuẩn mực thì chính các em lại rất muốn thử sức mình, khám phá những cái mới, thậm chí "vượt rào" để khẳng định mình là người lớn. Việc "vượt rào" càng kích thích trí tò mò, tìm cách vượt qua, đôi khi các em học sinh còn coi đó là thành tích để thể hiện với nhóm bạn.

Xung quanh câu chuyện làm đẹp ở lứa tuổi học sinh, chị Ngô Thị Hiên, phụ trách tham vấn tâm lý của hệ thống giáo dục LôMôNôXốp cho rằng việc làm đẹp, chú ý đến hình thức bên ngoài là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người, tôn lên vẻ đẹp sẵn có, giúp mỗi người tự tin hơn khi ra ngoài. Đó là quyền cá nhân và cần được tôn trọng.

Thời đại công nghệ phát triển khiến các bạn trẻ nói chung, học sinh nói riêng có thể tiếp xúc với mọi điều mình thích một cách tự do và chủ động hơn, kể cả việc chăm sóc hình thức bên ngoài. Người làm giáo dục gồm cả thầy cô và phụ huynh cần thay đổi những suy nghĩ “định hình" đâu đó kiểu: học sinh trang điểm là “hư” là “học đòi”.

"Nữ sinh 17-18 tuổi các em đều muốn mình đẹp hơn trong mắt bạn bè và mọi người. Mặt khác, việc nữ sinh làm đẹp cho bản thân mình cũng là một cách để các em biết yêu thương bản thân, trân trọng và nâng cao giá trị của bản thân mình", chị Ngô Hiên chia sẻ quan điểm.

Chỉ dẫn thay vì lệnh cấm

Nói về giải pháp cho những tình huống làm đẹp quá lố của học trò, chị Ngô Hiển kể lại câu chuyện một ông bố người Mỹ có cô con gái 14 tuổi luôn thích mặc quần sooc ngắn cũn cỡn ra đường. Sau nhiều lần thể hiện sự khó chịu và cố gắng bảo với con thay đổi, ông đã lấy chiếc quần ngắn của con gái mặc và nói với con gái rằng sẽ mặc quần đùi ngắn như thế này đi đón cô bé tan học. Và em nhận ra sự kệch cỡm, phản cảm nên đã hứa sẽ mặc quần dài hơn và không mua bất cứ một cái quần đùi ngắn nào trong tương lai nữa.

"Qua câu chuyện này chúng ta nhận thấy rằng là nhiều khi cần đặt các em vào vị trí của người khác để cảm nhận và nhìn ra sự không phù hợp trong phong cách thời trang hay trang điểm của mình. Chắc hẳn, cách chỉ dẫn đúng hướng sẽ luôn mang lại kết quả tốt hơn so với việc cấm kỵ".

Câu chuyện trang điểm ở độ tuổi học sinh cũng có thể áp dụng giải pháp hướng dẫn thay vì cấm cản. Giáo viên, phụ huynh có thể chia sẻ với các em cách sử dụng son sao cho đẹp, cho an toàn với sức khỏe. Việc trang điểm đến trường cũng chỉ nên dừng ở sự nhẹ nhàng, vừa tô điểm nét xinh xắn, đáng yêu nhưng vẫn tạo động lực khi các em đẹp hơn mỗi ngày đến lớp.  

Với lứa tuổi học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định cấm học sinh THPT trang điểm khi đến trường. Tuy nhiên, để hợp thuần phong mỹ tục cũng như lứa tuổi học sinh, các trường học vẫn có thể quy định trong quy chế riêng của trường cùng sự nhất trí của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Giáo dục hiện nay đang nói đến nhân bản, khuyến khích sự sáng tạo của người học, mỗi nhà trường có quyền xây dựng nội quy riêng. Tuy nhiên,  hiện tại, ở một số trường học, các quy định, quy tắc ứng xử dành cho học sinh, kể cả góc độ làm đẹp ít nhiều cứng nhắc.

“Chúng ta cần thay việc sử dụng quá nhiều từ “Không” bằng những chỉ dẫn “Hãy”. Đây có thể xem như một bước đệm cho việc dần vươn tới “Không cấm”. Ở đây, chuyện giáo dục thẩm mỹ cho học sinh được thực hiện theo phương châm: Một tay nới lỏng dần, một tay trang bị cho các em kĩ năng chăm sóc, bảo vệ, yêu thương bản thân với những giá trị mình đang có”, chị Ngô Hiên phân tích.

Hiện đã có quá nhiều nội dung như an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường… rất khó để thêm giáo dục thẩm mỹ gồm trang điểm và trang phục. Tuy nhiên, mô hình các câu lạc bộ (CLB) trong trường học hiện nay có thể xem như một không gian mở cho chính các em học sinh tạo nên nhóm, câu lạc bộ cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ các bí quyết, hướng dẫn làm đẹp, mix trang phục, skin care (chăm sóc da)...

Trong các CLB này, các em sẽ tự định hướng phong cách phù hợp, các em dễ tiếp nhận lời khuyên từ người đồng trang lứa hơn là người lớn bởi giai đoạn này định hướng giá trị của các em chịu ảnh hưởng nhiều từ định hướng giá trị của các nhóm bạn. Lời khuyên từ chị Ngô Hiên ở trường hợp này, các em nên mời người hướng dẫn có chuyên môn, có tâm huyết và giỏi về lĩnh vực đó để làm cố vấn cho các hoạt động thường kỳ của CLB.

Cái đẹp còn được đánh giá ở tiêu chí hài hòa, phù hợp với môi trường xung quanh. Nguyên tắc này cần được chia sẻ và giúp các bạn học sinh hình thành từ sớm. Ví dụ việc các em bắt chước trang điểm theo các ngôi sao thần tượng như Taylor Swift, Selena Gomez... Tuy nhiên, những ngôi sao này có đội ngũ chuyên gia trang điểm riêng. Và, những cách thức trang điểm đó có thể giúp nghệ sĩ nổi bật trên sân khấu, nhưng sẽ không phù hợp với đời thực.

Cha mẹ, thầy cô, người lớn cũng có thể phải đặt ra các giới hạn về việc trang điểm: Ở đâu? khi nào? tuổi nào được phép trang điểm mặt, trang điểm mắt, đổi màu tóc highlight, thậm chí xăm hình hay xỏ khuyên.Ví dụ: Ngày lễ hóa trang Halowen, cuộc thi biểu diễn thời trang có thể được phép trang điểm mặt, mắt, được phép dán hình xăm…

Chúng ta cũng cần cung cấp thông tin cho các bạn trẻ như mỹ phẩm thường chứa nhiều hóa chất nguy hiểm, không thể coi nhẹ. Trang điểm quá sớm khiến cơ thể trẻ có thể hấp thụ gần như 100% các độc tố hóa chất được bôi lên. Nhiều con số nghiên cứu chỉ ra những tác động của chất thủy ngân trong mỹ phẩm gây ra ung thư da. Khoảng 45% phụ nữ sử dụng trang điểm từ 5 năm trở lên mắc các bệnh về da liên quan đến trang điểm. Bên cạnh đó, thiếu niên hay chia sẻ đồ trang điểm với bạn bè. Điều này cũng góp phần lây lan vi khuẩn có hại khiến nhiễm trùng, mụn rộp. Có khoảng 14% thanh thiếu niên bị mụn do trang điểm và việc tiếp tục trang điểm khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng, tạo thành tổn thương không thể đảo ngược.

Ngay như ở hệ thống giáo dục LôMôNôXốp, về chuyện về trang điểm, làm đẹp theo chị Ngô Hiên từ lâu đã hình thành vào theo đuổi quan điểm: mỗi học sinh, mỗi cá thể đều đẹp theo một cách rất riêng của mỗi em. Cái đẹp được nhìn nhận trong sự hài hòa và phù hợp với hoàn cảnh, với sự lựa chọn thông minh cho cá nhân và những con người xung quanh mình và cộng đồng. Cái đẹp có thể gắn với sáng tạo bởi 1 trong 5 giá trị mà nhà trường muốn học sinh hướng đến đó là sự sáng tạo. Mỗi bạn học sinh có thể phát huy yếu tố này để tạo ra phong cách riêng và từ đó khám phá, xây dựng những giá trị cho bản thân. Bản chất đẹp khi các em học sinh là chính các em. Khi một bạn thay màu tóc quá khác; trang điểm quá đậm chưa phải là đẹp.

"Các em có thể tô chút son dưỡng môi hơi phớt hồng cho ngày đông trở nên tươi tắn, rạng rõ hơn điều đó thật là tuyệt vời. Hoặc là con có thể chọn kiểu tóc buông xõa và hơi uốn xoăn chẳng hạn. Và cái đẹp của các bạn trẻ cũng cần tạo nên từ cái đẹp của khí chất, của hành xử chứ không phải chỉ có ngoại hình", chị Ngô Hiên phân tích.

Mời các bạn bấm nút nghe những trao đổi xung quanh câu chuyện làm đẹp ở lứa tuổi teen 

 

 

Từ khóa: làm đẹp, trang điểm, thời trang, tuổi teen, đánh son phấn, nhuộm tóc, quy định, nội quy, trường học, LoMoNoXop, hệ thống giáo dục, dạy học, thẩm mỹ, giáo dục thẩm mỹ, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập