Làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: “Cơ hội vàng” của Việt Nam

Cập nhật: 08/01/2020

VOV.VN - Làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ hội để Việt Nam phát huy vị thế đất nước với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 01/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết “Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 01/2020: ‘Cơ hội vàng’ phát huy vị thế đất nước với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ”, VOV xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

lam chu tich hoi dong bao an lien hop quoc: co hoi vang cua viet nam hinh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực (UVKTT) Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời bắt đầu giữ vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 01/2020. Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đây là một thời cơ quý báu để chúng ta đóng góp xây dựng, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế đất nước và làm sâu sắc hơn quan hệ của nước ta với các nước, các đối tác quan trọng.

Trọng trách mới trong bối cảnh mới đầy thách thức

Việt Nam đảm nhiệm trọng trách mới trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển sâu sắc. Trong khi nhiều cuộc xung đột kéo dài ở châu Phi chưa tìm được giải pháp căn cơ, căng thẳng có chiều hướng leo thang ở Trung Đông và những điểm nóng tiềm tàng có nguy cơ bùng phát ở một số khu vực, kể cả châu Á – Thái Bình Dương. Những hành vi đơn phương, cường quyền, không tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia… cũng thách thức trực tiếp hoà bình và an ninh quốc tế. Mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, chủ nghĩa đa phương, các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực đều gặp nhiều khó khăn. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, dẫn tới nhiều hệ luỵ phức tạp, nhất là về chính trị, an ninh, phản ánh trực tiếp tại HĐBA, làm giảm hiệu quả hoạt động, gây bế tắc trên một số vấn đề.

Tham gia HĐBA trong bối cảnh nhiều thách thức đó, chúng ta sẽ kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý, cho các vấn đề đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế; thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị - xã hội, không can thiệp vào công việc nội bộ, hòa bình giải quyết tranh chấp, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Việt Nam sẽ đề cao tinh thần “đối tác vì hòa bình bền vững” với nhiều nội hàm quan trọng về ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hoà bình, tái thiết hậu xung đột, tăng cường chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương, nhất là LHQ và các tổ chức khu vực.

Chủ tịch HĐBA LHQ: Trọng trách lớn tại cơ quan có trách nhiệm hàng đầu về hòa bình và an ninh quốc tế.

HĐBA được Hiến chương LHQ trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng là cơ quan duy nhất của LHQ có thể ra các quyết định ràng buộc với 193 quốc gia thành viên. Trong 75 năm qua, dù còn những hạn chế về tính hiệu quả, dân chủ, minh bạch trong hoạt động, HĐBA đã có đóng góp quan trọng giúp nhân loại không phải gánh chịu một cuộc chiến tranh thế giới mới, có ảnh hưởng ngày càng lớn và sâu rộng trong đời sống chính trị-an ninh quốc tế, là cơ chế được các nước, kể cả các nước lớn luôn coi trọng.

Chủ tịch HĐBA – vị trí được luân phiên hàng tháng giữa 15 nước thành viên HĐBA – có trách nhiệm xây dựng và thông qua Chương trình làm việc tháng của HĐBA, chủ trì, điều hành các cuộc họp, thông qua văn kiện của HĐBA, làm “trọng tài” xử lý thoả đáng các phức tạp phát sinh, những khác biệt giữa các thành viên HĐBA, đại diện cho HĐBA trong quan hệ với Lãnh đạo của các cơ quan chính khác của LHQ, cũng như các nước thành viên LHQ, các cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế...

Với vai trò quan trọng đó, các nước UVKTT vốn không có những đặc quyền như các nước UVTT – chỉ có nhiệm kỳ hai năm và không có quyền phủ quyết – coi trọng nhiệm vụ trong Tháng Chủ tịch, qua đó không chỉ thể hiện năng lực chủ trì, điều hành công việc của HĐBA, mà còn thúc đẩy các vấn đề ưu tiên của mình, tạo dấu ấn và đóng góp thực chất cho hoạt động của HĐBA tuy công việc này cũng gặp không ít thách thức trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh một số khu vực vẫn diễn biến phức tạp.

Nỗ lực thúc đẩy quan tâm, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, tạo dấu ấn Việt Nam ngay trong tháng đầu tham gia HĐBA.

Đối với Việt Nam, làm Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên tham gia HĐBA là một sự trùng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp đặt nền tảng và tạo đà thuận lợi cho sự tham gia của chúng ta trong cả nhiệm kỳ 2020-2021.

Triển khai chủ trương chung đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra, với tư cách Chủ tịch HĐBA, chúng ta sẽ nỗ lực làm tốt vai trò chủ trì, điều hành hoạt động của HĐBA, thúc đẩy tìm giải pháp cho các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA phù hợp quan tâm và quyền lợi chính đáng của các bên liên quan, tạo cơ sở tăng cường hợp tác với các nước. Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực, chủ động, có trách nhiệm, xử lý công việc có nguyên tắc, khách quan, minh bạch, tôn trọng Hiến chương LHQ, thủ tục làm việc của HĐBA, tận dụng hiệu quả ý kiến tư vấn của Ban Thư ký; đồng thời nỗ lực, điều hòa quan điểm các bên khi có khác biệt, phấn đấu xây dựng đồng thuận. Là đại diện của HĐBA trong quan hệ với bên ngoài, Việt Nam cũng sẽ nỗ lực cung cấp thông tin, tham khảo rộng rãi các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA, đặc biệt là các nước châu Á, ASEAN và chú trọng quan hệ với báo chí nhằm nâng cao tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của HĐBA, tiếp nối các đóng góp thực chất đã được quốc tế ghi nhận của chúng ta về cải cách phương pháp làm việc của HĐBA trong nhiệm kỳ 2008-2009.

Trên tinh thần đó, trong những tháng qua, chúng ta đã tích cực chủ động rà soát, tham khảo Ban Thư ký LHQ để xây dựng dự kiến Chương trình hoạt động tháng 1 của HĐBA hợp lý, cân bằng, gồm đầy đủ các vấn đề định kỳ, đến hạn xử lý, các vấn đề dự phòng, cũng như các vấn đề ưu tiên của Việt Nam, được các nước thành viên HĐBA ủng hộ, nhất trí thông qua ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Việt Nam tại HĐBA. Theo đó, dự kiến chúng ta sẽ chủ trì hơn 30 cuộc họp, thảo luận và quyết định về hoạt động của các Phái bộ gìn giữ hoà bình và Phái bộ chính trị ở các nước như Síp, Yemen, Libya…, tình hình Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi, Tây Phi…, buổi làm việc định kỳ của HĐBA với Tổng thư ký LHQ và nhiều hoạt động khác.

Đặc biệt, với tư cách Chủ tịch, Việt Nam tổ chức 02 sự kiện quan trọng với 02 chủ đề ưu tiên là tăng cường tuân thủ Hiến chương LHQ và thúc đẩy hợp tác giữa LHQ/HĐBA và ASEAN.

Sự kiện dấu ấn trọng tâm là Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 09/01/2020 với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ: Tăng cường tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt nhằm đặt ra một chủ đề xuyên suốt cho hoạt động của HĐBA trong năm 2020 – năm LHQ kỷ niệm ba phần tư thế kỷ tồn tại và phát triển. Với sự kiện này, chúng ta quyết tâm khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, hòa bình giải quyết tranh chấp… đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.

Sự kiện thứ hai Việt Nam sẽ tổ chức là cuộc họp về chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: vai trò của ASEAN”. Theo đó, ASEAN sẽ lần đầu tiên chia sẻ tại HĐBA các định hướng, nỗ lực và thực tiễn khu vực trong ngăn ngừa xung đột, xử lý các vấn đề khu vực, xây dựng cộng đồng, qua đó khẳng định vai trò trung tâm và những đóng góp quan trọng của ASEAN, tạo cơ sở cho cơ chế trao đổi thường xuyên về hòa bình và an ninh khu vực giữa LHQ/HĐBA và ASEAN. Đây là vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa chính trị, là quan tâm, lợi ích của Việt Nam và ASEAN, đồng thời được đông đảo các nước quan tâm. Sự kiện cũng khẳng định vai trò của Việt Nam khi đồng thời là UVKTT HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN năm 2020, hai cơ chế toàn cầu và khu vực có ý nghĩa hàng đầu với Việt Nam.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vị thế mới của đất nước, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cùng với kinh nghiệm chủ trì, điều hành các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, nỗ lực chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, giữa trong và ngoài nước, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 01/2020, đạt những kết quả bước đầu quan trọng tạo đà cho một nhiệm kỳ UVKTT HĐBA thành công.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Thông điệp nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và UVKTT HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, chúng ta quyết tâm đảm nhiệm thành công trách nhiệm vinh dự, cũng là thách thức lớn lao này, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII./.

Từ khóa: hội đồng bảo an, liên hợp quốc, Việt Nam làm chủ tịch hội đồng bảo an, đường lối đối ngoại Việt Nam

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập