Lái xe ô tô có thể bị phạt từ 30- 40 triệu đồng nếu trong máu có nồng độ cồn
Cập nhật: 16/02/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nước ta. Pháp luật quy định hình phạt nghiêm khắc đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước vào khoảng 3,4 tỷ USD. Đối với không ít người, sử dụng rượu, bia là một thói quen khó bỏ.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề sử dụng rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ đã có những thay đổi. Trước năm 2019, người tham gia giao thông được phép sử dụng rượu, bia ở mức độ nhất định. Nếu vượt quá ngưỡng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, từ năm 2019, khi Luật phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường bộ được ban hành đã thay đổi về chính sách đối với rượu, bia. Theo đó, từ năm 2019 đến nay pháp luật Việt Nam tuyệt đối nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc trong khí thở có nồng độ cồn.
Căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lai xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông còn phải bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ. Nếu khiến nạn nhân bị thương tích thì phải bồi thường tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất bị giảm sút của nạn nhân, tiền phục hồi chức năng, tiền tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường có thể lên tới 50 tháng lương. Nếu trong trường hợp nạn nhân tử vong còn phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương và tổn thất tinh thần. Mức bồi thường không quá 100 tháng lương cơ sở.
Từ khóa: rượu bia, uống rượu bia khi tham gia giao thông,giao thông,bộ y tế,đông nam á
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: thu hằng/vov2
Nguồn tin: VOVVN