Kỷ niệm 60 năm chiến dịch Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên chiến thắng
Cập nhật: 15/11/2024
TP.HCM họp mặt kỷ niệm 84 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa
Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm đạt nhiều kết quả sâu sắc và thực chất
VOV.VN - Những ngày đầu tháng 11/2024, chúng tôi được gặp gỡ bà Nguyễn Thị Phụng, người phụ nữ của 60 năm trước trong trận chiến Bình Giã. Chúng tôi được nghe bà kể về những đóng góp, chiến công của bộ đội địa phương trong cuộc chiến có ý nghĩa lịch sử. Chiến dịch Bình Giã đã huy động sức mạnh toàn dân, mở màn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bà Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1942, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức chia sẻ, cuối năm 1963, phong trào cách mạng ở miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ.
Đầu năm 1964, cùng với nhiều thanh niên, phụ nữ, nông dân... bà thoát ly gia đình theo bộ đội - Tiểu đoàn 445, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm công tác phụ nữ, tham gia vận động quần chúng tại Xuân Sơn thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay.
Thời điểm này, thực lực cách mạng của các huyện, thị đang dần lớn mạnh, hậu cần, quân dân y của tỉnh được củng cố, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho các đơn vị vũ trang và nhân dân.
Trong khi đó, chế độ Việt Nam Cộng hòa lâm thời rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong thế suy yếu và bị động, địch tập trung lực lượng co cụm giữ các chi khu, tỉnh lỵ và các trục giao thông quan trọng. Tại khu vực lộ 2, địch tăng cường phòng thủ chi khu Đức Thạnh, ấp chiến lược Bình Giã (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành khu gia binh của lực lượng thủy quân lục chiến và lính biệt động ngụy.
Theo nhận định, nếu chiếm được Bình Giã, Chi khu Đức Thạnh, Đường số 2 bị uy hiếp, Bà Rịa bị chia cắt khỏi Long Khánh và đường số 1 thì khu vực phòng ngự có tầm chiến lược của địch sẽ mất hiệu lực.
Nắm bắt tình hình này, đoàn cán bộ tham mưu Miền đề đạt ý kiến lên Bộ chỉ huy chiến dịch về việc chọn Bình Giã, Đức Thạnh làm điểm tấn công mở màn cho chiến dịch và thực hiện phương thức tác chiến mới: “đánh điểm, diệt viện”, nhằm tiêu diệt quân chủ lực ngụy, đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" ở quy mô cấp chiến dịch.
Lúc này bà Phụng được giao nhiệm vụ: ban ngày thì vận động nhân dân cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực cho bộ đội. Đêm đến bà tiếp cận phía địch nắm tình hình, áp dụng chủ trương “vừa đánh vừa xoa” làm xoay chuyển tình hình.
Ngày đó, bà Phụng là một cô gái 22 tuổi theo các anh, các chú làm nhiệm vụ tuyên truyền cùng nhau chống phá quân nguỵ, thoát khỏi cảnh bị ức hiếp, lầm than.
"Là một người dân Việt Nam thì phải đứng lên đấu tranh, đòi lại quyền lợi cho dân tộc để mọi người được hưởng thanh bình, không còn chiến tranh. Do đó, dù còn trẻ nhưng bản thân rất cương quyết, làm được gì cho đất nước thì phải làm hết khả năng của mình" - Bà Phụng chia sẻ.
Bà Phụng không nhớ hết số quân địch, xe tăng… mà bộ đội bắn hạ ở mũi tiến công Xuân Sơn, tuy nhiên bà vẫn nhớ khi tham gia trận đầu tiên bộ đội đã bắn hạ 1 trực thăng thuộc Sư đoàn 18, tiêu diệt 2 phi công, thu nhiều vũ khí, bắt sống nhiều tên địch.
"Chủ trương của ta là “vừa đánh vừa xoa” nên vào chiến dịch thì bộ đội chủ lực thì cầm súng, còn mình làm công tác tuyên truyền. Đi vận động người dân về thuốc men, lương thực… tiếp tế cho bộ đội, vì có no mới tham gia chiến dịch được. Chiến dịch thành công bản thân tôi trở về vị trí cũ làm công tác phụ nữ" - Bà Nguyễn Thị Phụng hồi tưởng.
Bà Phụng chia sẻ, sau chiến dịch Bình Giã các phong trào thanh niên, phụ nữ, nông dân và chủ lực là lực lượng vũ trang của tỉnh Bà Rịa đã không ngừng lớn mạnh, tổ chức và tham gia nhiều chiến dịch quy mô lớn, hiệu quả chiến đấu cao, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Chiến thắng Bình Giã (1964-1965) đã đi vào lịch sử, có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng.
Để cứu nguy cho Đức Thạnh và cố gắng chiếm lại Bình Giã, ngày 1/1/1965 địch huy động khoảng 2 nghìn quân mở cuộc hành quân giải toả mang tên “Hùng Vương 2”. Phán đoán chính xác hướng hành quân của địch, Trung đoàn 762 phục kích tại khu vực Cóc Tiên diệt gọn đoàn xe 10 chiếc và 1 đại đội địch trên đường 15 từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Ngày 3/1, trung đoàn tiếp tục phục kích trên đường số 2 từ Bà Rịa lên Đức Thạnh, diệt đoàn xe 16 chiếc, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Biệt động quân 35. Tiểu đoàn 800 Quân khu 7 tập kích trại biệt kích Bình Sơn, phối hợp với du kích Long Thành diệt đồn Tam An, Phước Thọ, hỗ trợ quần chúng phá “ấp chiến lược”.
Từ khóa: Bà, Chiến thắng Bình Giã, sức mạnh toàn dân, đấu tranh nhân dân, giải phóng dân tộc, Đức Thạnh,ấp chiến lược,Bà Rịa,phong trào
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lưu sơn/vov-tphcm
Nguồn tin: VOVVN