Kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIV: Nhìn lại nhiệm kỳ để nỗ lực hơn vì dân

Cập nhật: 24/03/2021

VOV.VN - Quốc hội khoá XIV hôm nay bước vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ. Bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội cũng tiến hành tổng kết để nhìn lại mặt được, chưa được cũng như rút ra bài học kinh nghiệm sau gần 5 năm.

Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIV diễn ra trong khoảng 12 ngày, từ 24/3 – 8/4. Bên cạnh công tác nhân sự thì một trong những trọng tâm là tiến hành tổng kết nhiệm kỳ ở cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và Chủ tịch nước.

“Thành công”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” là điều được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ khi thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khoá XIV. Thực tế sinh động của hoạt động nghị trường gần 5 năm qua cũng chứng minh rõ điều này khi sự đổi mới thể hiện rõ nét ở cả công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước với dấu ấn chuyển biến từ “Quốc hội tham luận” là chủ yếu sang “Quốc hội tranh luận”.

Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống.

Nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được triển khai như không ban hành Chương trình cả kỳ nhiệm mà tập trung xây dựng Chương trình hằng năm; tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo; các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tăng cường... đã góp phần vào việc hoàn thành khối lượng rất lớn công việc xây dựng pháp luật, tạo hành lang pháp lý để điều hành đất nước.

Công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm, với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Một điểm nhấn trong công tác giám sát không thể không nhắc đến chính là chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới với “hỏi nhanh, đáp gọn”, tính tranh luận và phản biện trên tinh thần xây dựng cao đã tạo ra một không khí nghị trường sôi nổi.

Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng như xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác nhân sự.

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó có những sự kiện mang tính lịch sử như kỳ AIPA 41 lần đầu tiên được tiến hành trực tuyến, hiệu quả và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Những dấu ấn trên của Quốc hội khoá XIV không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình của kế thừa và phát huy, song điều quan trọng tinh thần đổi mới vì cử tri và nhân dân được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ. Những kết quả trên sẽ khó đạt được khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, những kỳ họp “vừa trực tuyến, vừa tập trung”, giảm giấy tờ sẽ chẳng thể diễn ra nếu “Quốc hội điện tử” không được đầu tư, triển khai ngay từ ban đầu với tầm nhìn xa; nghị trường không nhiều hơi thở cuộc sống như vậy nếu tinh thần vì dân, lấy dân làm gốc không được quán triệt và thực hiện cao độ.

Bên cạnh Quốc hội thì tại kỳ họp này, Chủ tịch nước, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng báo cáo với cử tri, nhân dân về công tác nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó đánh giá toàn diện về mọi mặt hoạt động trong chặng đường vừa qua.

Tất nhiên, bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại. Điều quan trọng là những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân đó được chỉ ra và thảo luận thẳng thắn trong những ngày tới đây sẽ củng cố thêm quyết tâm đổi mới, minh bạch, dân chủ trước diễn đàn Quốc hội, khẳng định nghị trường “không có chuyện “chợ chiều” như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hơn thế, những bài học, kiến nghị được rút ra có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội khoá XV phát huy, nỗ lực hơn nữa vì cử tri; thể hiện vai trò, vị trí của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.

Cuối cùng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các báo cáo thì sự đánh giá, ghi nhận của người dân mới là thước đo chính xác về sự thành công, và Quốc hội khoá XIV hoàn toàn có thể tự tin về điều đó sau những gì đã làm được trong 5 năm qua./.

Từ khóa: Kỳ họp 11 Quốc hội, công tác nhân sự, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập