Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
Cập nhật: 22/10/2024
VOV.VN - Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam so với đánh giá trước đó.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam đưa ra hôm 18/10, Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% từ mức 6,0%. Standard Chartered cũng dự báo quý 4 tăng trưởng ở mức 6,9%. Năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% vào nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, báo cáo mới của bộ phận nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC cho biết, khả năng tăng trưởng 7,4% trong quý 3 của Việt Nam "cao hơn so với kỳ vọng". Việt Nam đang trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN, dù Việt Nam đã chịu tác động nặng nề của siêu bão Yagi. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam 7% so với dự báo trước đó là 6,5%.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á, với dự đoán dự kiến đạt 6,1% vào cuối năm nay và 6,5% vào năm 2025. Đây là những dự báo cao hơn ước tính hồi tháng 4, với mức tăng trưởng được cho là nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất, du lịch và đầu tư.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của Qũy đầu tư VinaCapital cũng cho rằng: "Điều quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của năm 2024 là sự gia tăng đáng kinh ngạc trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Mức tăng tới gần 330% và đó là một con số đáng kinh ngạc, là ở quy mô quá lớn, thậm chí còn hơn cả những gì tôi đã dự đoán trước đó. Du lịch là một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam. Ngành công nghiệp này đã bùng nổ trở lại kể từ năm ngoái 2023 và Việt Nam đang tiếp tục được hưởng lợi từ sự mở cửa sau đại dịch Covid-19. Số lượng khách du lịch đến thăm Việt Nam hiện nay gần như đã trở lại mức trước khi có dịch".
Tờ DW của Đức hôm qua có bài viết nhan đề “Đằng sau câu chuyện thành công về kinh tế của Việt Nam là gì”. Tác giả bài báo dẫn lời các chuyên gia phân tích, Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao so với các nền kinh tế mới nổi khác như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Philippines. Điều này được cho là nhờ vào sự phục hồi của xuất khẩu, du lịch và đầu tư.
Theo bài báo, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc mở rộng nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác lớn, trong đó có việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ tháng 10 năm ngoái, với Australia và Pháp lần lượt vào tháng 3 và tháng 10 năm nay. Theo các chuyên gia, các thỏa thuận này đem lại những lợi ích kinh tế to lớn, trong đó có việc phát triển thị trường xuất khẩu và thu hút các nhà đầu tư. Điển hình là Apple, gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, đã chọn Việt Nam thành địa điểm sản xuất quan trọng của công ty, với khoản đầu tư hơn 15 tỷ đô la trong năm năm qua.
Việt Nam, giống như các nước Đông Nam Á khác, phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Báo cáo Đầu tư ASEAN 2024, từ năm 2021 đến năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đạt trung bình khoảng 236 tỷ đô la một năm. Các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, là lựa chọn hàng đầu trong chính sách đa dạng hóa đầu tư của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, để giữ được sự tăng trưởng ổn định về trung và dài hạn, các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục cải cách cơ cấu nền kinh tế.
Theo ông Sebastian Eckardt, Giám đốc thực hành khu vực Đông Á của Ngân hàng Thế giới, trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu xuất khẩu. Để duy trì đà tăng trưởng không chỉ trong phần còn lại của năm mà còn trong trung hạn và dài hạn, Chính phủ Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý thận trọng các rủi ro tài chính mới nổi. Trong bối cảnh các cuộc xung đột ngày càng leo thang, nguy cơ kéo theo sự đứt gãy về nguồn cung, rủi ro về tài chính và các giá trị về xã hội, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Từ khóa: gdp, gdp, tăng trưởng kinh tế, Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: châu anh/vov1
Nguồn tin: VOVVN