Kinh tế Việt Nam năm 2024: Phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới

Cập nhật: 13/01/2024

VOV.VN - Chuyên gia nhận định, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm 2024 cần tăng cường khả năng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác, phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

 

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được các chuyên gia đánh giá tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế quốc tế đang có nhiều biến số bất định và khó lường, nhưng bối cảnh này cũng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức phát triển cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Điều quan trọng là Việt Nam cần tăng cường khả năng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác - phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia kinh tế đặt ra, trong đó nhấn mạnh vai trò thúc đẩy của cơ chế chính sách và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Kỳ vọng đáy nền sản xuất đã qua

Báo cáo triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tuần này dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%. Đây là năm giảm thứ ba liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Cùng với đó, WB nhận định toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ”.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá, trên toàn thế giới đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho. Theo dõi của Dragon Capital cho thấy, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu đã trở về mức bền vững. Từ đó có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế.

Chuyên gia cho rằng, xu thế dòng tiền cả từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Với khu vực xuất khẩu, vùng đáy xuất khẩu đã qua, chúng ta bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công là động lực và niềm tin cho DN đầu tư trở lại. Do đó, Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công. Còn tiêu dùng, có thể phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất nên nửa sau của năm 2024 thì sẽ có phục hồi tích cực hơn.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định, Việt Nam có thể tranh thủ kích tăng trưởng nhưng không quá lo vì lạm phát. Với lạm phát có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra khi kiềm chế áp lực gia tăng từ hai nhóm hàng hoá, dịch vụ chính là lương thực, thực phẩm và nhà ở, vật liệu xây dựng.

Quốc hội đã chấp thuận tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% xuống còn 8% trong nửa đầu năm 2024 để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ DN. Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng tăng cường hơn nữa việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp, cộng đồng DN mong muốn nhiều hơn vào việc cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết, cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Đây là những nhóm chính sách vô cùng quan trọng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cơ quan đại diện cộng đồng DN nhìn nhận, nếu cứ nói tháo gỡ khó khăn là sẽ cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. “Chúng ta hãy thay cụm từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của DN có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp", ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận.

Khôi phục động lực tăng trưởng cũ gắn chặt với thúc đẩy động lực mới

Số liệu thống kê cũng cho thấy hiện trạng đáng quan ngại, là tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của đầu tư công - là chính, trong khi đó đầu tư tư nhân chỉ đạt mức thấp từ năm 2019-2023. Do đó, thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư, để khôi phục động lực phát triển của nền kinh tế là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới, bên cạnh yêu cầu về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương lưu ý, năm 2023 kinh tế số, chuyển đối số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%.

“Cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số, sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính và chủ yếu từ đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử, nhưng mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, vẫn là gia công", ông Hiển cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, khôi phục động lực tăng trưởng cũ gắn chặt với thúc đẩy động lực mới, cũng là một giải pháp cần chú trọng trong thời gian tới. GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội phân tích, không thể bỏ qua các động lực tăng trưởng bấy lâu nay, đó là đầu tư công. “Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là không nên chỉ dừng lại ở đầu tư cốt lõi về hạ tầng giao thông, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực về hạ tầng khác, khoa học công nghệ, chuyển đổi số… Các yếu rố này sẽ góp phần thúc đẩy tiếp nhận được các xu hướng mới", ông Cường nêu.

2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030. Ngay đầu năm nay, Chính phủ cũng đã thống nhất chủ đề điều hành của năm 2024 là 16 chữ vàng với 4 thông điệp hành động, là: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo và hiệu quả bền vững”.

Như vậy, cộng đồng DN đang chờ hiệu lực, hiệu quả thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng thông điệp hành động của Chính phủ trong năm 2024, để thúc đẩy các động lực và mang lại cho cộng động DN một môi trường đầu tư an toàn, bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho DN nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức phát triển.

Từ khóa: Kinh tế Việt Nam năm 2024, kinh tế Việt Nam năm 2024,phát huy hiệu quả, động lực tăng trưởng mới,đầu tư công, đầu tư tư nhân,chuyển đổi số

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trung hiếu/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan