Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn
Cập nhật: 21/04/2022
THỜI SỰ 21H30 ĐÊM 15/1/2025: Bộ Công an sẽ kiểm tra đột xuất địa phương về phòng chống ma túy.
Muốn phát triển, Lâm Đồng cần tháo gỡ quy hoạch treo (15/1/2025)
(VOV5) -Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19/4 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,2%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,1% đưa ra hồi tháng 1.
Chịu tác động đồng thời từ hàng loạt yếu tố bất lợi, kinh tế toàn cầu tếp tục gặp nhiều khó và thách thức. Rủi ro với nền kinh tế thế giới đang được đánh giá ở mức cao, trong tình trạng đặc biệt bất ổn. Thực tế này đòi hỏi các nền kinh tế phải tiến hành thêm các giải pháp mạnh mẽ để ngăn đà suy thoái và vực dậy tăng trưởng.
Các kệ hàng tại một chợ bán thực phẩm ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19/4 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,2%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,1% đưa ra hồi tháng 1. Nếu so với mức tăng trưởng GDP toàn cầu đạt được năm 2021 là 5,7% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mức tăng tương trưởng dự kiến của năm nay là đáng lo ngại.
Kinh tế toàn cầu đối mặt hàng loạt thách thức nghiêm trọng
Nhà Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Carmen Reinhart nhận định kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ "đặc biệt bất ổn". Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 19/4, bà Carmen Reinhart cảnh báo, rủi ro với kinh tế thế giới đang diễn biến theo hướng tiêu cực một cách rõ ràng.
Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cũng có chung đánh giá với nhà Kinh tế trưởng của WB rằng, đang có hàng loạt thách thức nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó, tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cùng các vấn đề liên quan, là nghiêm trọng nhất. Chiến sự kéo dài tại Ukraine cùng hàng loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng vọt tại hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới. Giống như tương lai chưa thể đoán định của cuộc xung đột Nga-Ukraine, đà tăng giá lương thực toàn cầu cũng được dự báo là chưa xác định điểm dừng.
Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc phải áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa trên diện rộng, làm gián đoạn đáng kể hoạt động sản xuất. Điều này gây áp lực với không chỉ hoạt động kinh tế của Trung Quốc, mà với cả chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng hàng đầu thế giới.
Điều đáng nói hơn là, kinh tế toàn cầu vốn đã phải chịu áp lực rất lớn từ trước khi xuất hiện hai thách thức kể trên. Cụ thể, để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19, trong hai năm qua, nhiều nền kinh tế phải tăng vay nợ để hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng. Hệ quả là các khoản vay nợ của thế giới tăng lên kỷ lục. Theo Cơ sở dữ liệu Nợ toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ toàn cầu đã tăng 28%, lên tương đương 256% GDP của năm 2020. Trong khi đó, báo cáo "Chỉ số nợ công" mà hãng quản lý tài sản Janus Henderson Foundation (Anh) công bố hồi đầu tháng 4 này dự báo, nợ công toàn cầu tăng 9,5% lên kỷ lục 71.600 tỷ USD trong năm nay. Trước đó, trong năm 2021, báo cáo cho biết nợ công toàn cầu đạt quy mô 65.400 tỷ USD, tăng 7,8% so với 2020. Do vay nợ nhiều trong khi hoạt động kinh tế gặp khó khăn, hàng loạt nền kinh tế ở các khu vực Tây Á, Bắc Phi và Nam Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ rõ ràng. Trong đó, Sri Lanka ngày 12/4 vừa qua đã chính thức tuyên bố vỡ nợ.
Giải pháp và ứng phó
Thách thức và rủi ro mà kinh tế toàn đang phải đối mặt nghiêm trọng tới mức bà Carmen Reinhart không loại trừ khả năng WB sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng thêm nữa trong thời gian tới.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB), bà Carmen Reinhart. Nguồn: Bloomberg |
Trước thực tế này, Chủ tịch WB David Malpass cho biết WB "đang chuẩn bị một kế hoạch đối phó khủng hoảng". Theo đó, trong vài tuần tới, các lãnh đạo WB sẽ họp bàn về kế hoạch đối phó mới, kéo dài 15 tháng, trị giá 170 tỷ USD trong giai đoạn tháng 4/2022 – 6/2023. Gói tài chính đối phó khủng hoảng này thậm chí còn lớn hơn gói hỗ trợ trị giá 160 tỷ USD mà WB tung ra trước đó để ứng phó đại dịch Covid-19.
Tìm kiếm giải pháp đối phó thách thức và vượt qua những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, cũng là một trong các nghị sự chính tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra hôm nay 20/4. Về phần mình, nhiều quốc gia cũng đã chủ động triển khai các biện pháp đối phó, phố biến nhất là tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Kinh tế toàn cầu, tăng trưởng toàn cầu, lương thực
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5