Kinh tế nông nghiệp Hải Dương đang phục hồi sau đại dịch
Cập nhật: 18/03/2021
“Thả xúc xắc – Bắt triệu quà”: Ưu đãi trên VietinBank iPay “cán” mốc hàng chục triệu lượt chơi
Trái sầu riêng cận Tết giảm giá sâu, nhà vườn đón Tết kém vui
VOV.VN - Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã bắt tay ngay vào phục hồi sản xuất nông nghiệp.
Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã bắt tay ngay vào phục hồi sản xuất nông nghiệp. Hải Dương đang xây dựng kịch bản ứng phó, tìm hướng đi bền vững để phục hồi nền kinh tế nông nghiệp sau đại dịch.
Gia đình ông Hoàng Như Khánh (xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) có gần 3.000 m2 trồng vải, chủ yếu là vải sớm. Năm nay thời tiết thuận lợi, tỷ lệ hoa vải đậu quả đạt 95% hứa hẹn năng suất cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, ông Khánh vẫn lo lắng về vụ vải năm nay, nhất là khâu tiêu thụ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển và xuất khẩu:
“Bình thường vải nhà trồng vẫn được một số DN thu mua xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản hoặc đưa vào các siêu thị của trong nước. Năm nay diện tích vải nhiều, dịch bệnh lại bùng phát nên gia đình đang lo lắng khâu tiêu thụ, ảnh hưởng tới giá bán. Hiện nay thị trường Trung Quốc nhập khẩu chính mặt hàng này vẫn chưa thông quan, các nước châu Âu cũng không xuất khẩu được nữa cũng là cả vấn đề vì nếu chỉ tiêu thụ trong nước sẽ không hết”, ông Khánh băn khoăn.
Huyện Thanh Hà là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất của tỉnh Hải Dương với khoảng 3.500 ha vải, 1.800 ha ổi và hơn 1.000 ha trồng chuối, quất, bưởi… Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, ước tính huyện Thanh Hà có khoảng hơn 2.200 tấn ổi và 500 tấn chuối cùng nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác gặp khó khăn trong tiêu thụ, gây thiệt hại rất lớn đến các hộ nông dân.
Trước thực tế này, cùng với việc hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc để đảm bảo chất lượng quả vải, giữ gìn thương hiệu vải thiều Thanh Hà, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản của huyện nói chung và đối với quả vải nói riêng. Trong đó, huyện Thanh Hà chú trọng khâu kết nối thị trường và phát triển, nâng cao thương hiệu quả vải địa phương trên trị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết, trước đây vải của huyện khi tiêu thụ trong nước vẫn qua các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và các đường giao thương. Tuy nhiên trong mùa dịch này phải đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; mã hóa sản phẩm để truyền thông trên Zalo, Facebook, đặc biệt là qua các sàn giao dịch hàng hóa.
“Huyện đang tìm kiếm một số nhà đầu tư, cũng như kết nối với một số trung tâm truyền thông lớn để tính toán nâng cao thương hiệu quả vải quả ổi và đặc biệt là quả vải trong tháng 5, tháng 6 tới đây”, ông Thiện đưa ra phương hướng.
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kết thúc thời gian giãn cách xã hội, các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã bắt tay ngay vào phục hồi sản xuất nông nghiệp. Đến giữa tháng 3 này, toàn tỉnh đã gieo trồng được khoảng 6.500 ha rau màu vụ Xuân, đạt 65% kế hoạch và tăng hơn 500 ha so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, huyện Gia Lộc có diện tích cây vụ Xuân lớn nhất, với 1.200 ha. Huyện Gia Lộc khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.
Ông Đặng Xuân Thưởng, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết, địa phương sẽ cố gắng đảm bảo sản xuất nông nghiệp đạt sản lượng, chất lượng tốt nhất; tuy nhiên, tỉnh Hải Dương và các bộ, ngành cũng cần có phương án, kịch bản cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản; tránh tình trạng ùn ứ như trong đợt dịch vừa qua.
“Mặc dù đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức muốn thu mua, tiêu thụ nông sản nhưng vẫn chưa có cơ chế dứt điểm. Đề nghị Chính phủ, tỉnh sớm hoàn thiện kịch bản để khi dịch bệnh xảy ra ở tầm của tỉnh, huyện, xã đều có phương án kết nối với với người tiêu thụ cũng như khâu lưu thông thông suốt, tránh như thời gian vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân”, ông Thưởng đề xuất.
Cùng với nỗ lực chính quyền các địa phương và người dân trong phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng tích cực hỗ trợ bà con kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, Bưu điện Việt Nam đã xây dựng và đưa vào hoạt động chuyên trang “Nông sản Hải Dương” trên sàn thương mại điện tử để chung tay cùng nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản, vận chuyển đến tận tay người mua.
“Để giải quyết bài toán tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững, Bưu điện tỉnh Hải Dương tiếp tục phối hợp cùng UBND các cấp rà soát đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, cũng như trực tiếp hỗ trợ người nông dân và các hộ sản xuất kinh doanh đưa đặc sản cùng miền đến tận tay người tiêu dùng”, ông Đào Duy Toàn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương cho biết.
Năm nay, tỉnh Hải Dương dự kiến sản xuất 580 ha rau màu theo tiêu chuẩn quốc tế ở 11 huyện, thị xã, thành phố; riêng huyện Thanh Hà mở rộng thêm gần 265 ha vải xuất khẩu, nâng tổng diện tích vải xuất khẩu của địa phương lên 420 ha. Thời điểm hiện tại, nông dân các huyện, thị trong tỉnh Hải Dương đang tích cực hoàn thành gieo trồng vụ Xuân; Sở NN&PTNT tỉnh cũng đang tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chủ động tiêu thụ nông sản cho bà con./.
Từ khóa: hải dương, kiểm soát dịch, sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng, tiêu thụ nông sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN