Kinh tế Mỹ - Ám ảnh nỗi lo suy thoái
Cập nhật: 21/08/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ cùng nhiều chuyên gia kinh tế đã đồng loạt lên tiếng trấn an về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Những tuyên bố này được đưa ra sau khi hàng loạt các công ty tài chính Mỹ nhận định tăng khả năng suy thoái của nước này trong nửa cuối của năm...
Tuần này, Ngân hàng JPMorgan đã nhận định tăng về khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay lên 35% so với mức 25% vào đầu tháng trước. Trong khi nhóm các nhà kinh tế do kinh tế trưởng Kasman đứng đầu giữ nguyên dự đoán về khả năng xảy ra suy thoái vào nửa cuối năm 2025 ở mức 45%. Trước đó, đầu tuần này, Goldman Sachs cũng nâng khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ từ 15% lên 25%. Cùng với đó là những dấu hiệu thị trường ảm đạm kéo dài trong suốt tuần qua.
Tuy nhiên, không ít các chuyên gia cho rằng, các phản ứng này là thái quá và kêu gọi các nhà đầu tư bình tĩnh trước các biến động của thị trường.
Ông Kevin Nicholson - Giám đốc Đầu tư tại Tập đoàn Riverfront Investment, Mỹ cho rằng: "Phản ứng hôm nay của thị trường là thái quá và phóng đại. Fed thì tuyên bố họ vẫn phải dựa vào dữ liệu. Họ đã gợi ý sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, trong cuộc họp tuần trước. Thế nhưng thị trường lại muốn họ hạ 5 lần từ giờ tới cuối năm, thế là thái quá. Tại thời điểm này, tôi không nghĩ nền kinh tế đang lâm vào suy thoái vì chúng ta đang dựa vào một điểm dữ liệu và chúng ta vẫn còn một số bản báo cáo CPI nữa cũng như một báo cáo bảng lương phi nông nghiệp bổ sung. Chúng tôi cho rằng đợt thoái lui này là lành mạnh đối với thị trường và cuối cùng sẽ tạo điều kiện cho thị trường tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai".
Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan, Chase Jamie Dimon, nhận định nền kinh tế Mỹ "không hề" rơi vào suy thoái, nhưng ông vẫn không loại trừ khả năng có thể xảy ra suy thoái trong thời gian tới.
"Tôi tin rằng khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Hoa Kỳ là khoảng 35% đến 40%, khiến suy thoái trở thành kịch bản có khả năng xảy ra. Có rất nhiều sự không chắc chắn ngoài kia. Tôi luôn chỉ ra các yếu tố địa chính trị, nhà ở, thâm hụt, chi tiêu, thắt chặt định lượng, bầu cử - tất cả những điều này gây ra một số sự bối rối trên thị trường. Tôi có chút hoài nghi rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% nhờ vào chi tiêu trong tương lai cho nền kinh tế xanh và quân sự. Luôn có nhiều kết quả khác nhau. Nhưng tôi hoàn toàn lạc quan rằng nếu chúng ta có một cuộc suy thoái nhẹ, thậm chí là nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ ổn" - Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan, Chase Jamie Dimon cho biết.
Đầu tháng 8, báo cáo việc làm cho thấy đây là tháng thứ tư liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh, lên đến 4,3%. Kết quả báo cáo chịu sự ảnh hưởng lớn bởi tình hình kinh doanh ảm đạm của nhiều công ty lớn như McDonald's và Diageo. Báo cáo cũng phản ánh tình trạng nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ giảm mạnh.
Tuy nhiên, Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng vẫn giữ được lạc quan về tiềm lực của siêu cường kinh tế số một thế giới. Các chuyên gia của FED cho rằng nhiều chi tiết trong dữ liệu việc làm củng cố niềm tin nước Mỹ chỉ chững lại, không đến mức rơi xuống vực thẳm. Theo công cụ CME FedWatch, FED hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và thị trường dự đoán lần cắt giảm đầu tiên sẽ là 0,5 điểm phần trăm.
Từ khóa: mỹ, kinh tế mỹ, suy thoái, cục dự trữ liên bang mỹ, nền kinh tế mỹ, suy thoái kinh tế, mỹ, fed
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: châu anh/vov1
Nguồn tin: VOVVN