Kinh tế Hợp tác xã Sơn La: Khởi sắc từ liên kết sản xuất
Cập nhật: 17/01/2020
VOV.VN - Từ việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thu nhập của các xã viên là bà con nông dân được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Tuy là một tỉnh miền núi vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La không chỉ được mở rộng về quy mô, mà chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng được nâng lên. Đây là kết quả từ việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó, thu nhập của các xã viên là bà con nông dân được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Hộ gia đình anh Bùi Văn Tế, ở bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có 1,2 ha trồng các loại cây ăn quả nhãn, bưởi, cam. Khi chưa có HTX, nhà anh cũng như nhiều hộ nông dân ở đây chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát, năng suất, sản lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, thường bị thương lái ép giá.
Từ năm 2017, gia đình anh Tế cùng 9 hộ gia đình đã liên kết thành lập HTX Bảo Minh, tập trung áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi đạt năng xuất, chất lượng tốt và an toàn, có sức cạnh tranh cao. Việc quảng bá, tìm đầu ra cho phẩm được tăng cường, từ đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợivới giá cả ổn định.
Ông Phúc cùng các xã viên thu hoạch bưởi. |
“Từ khi vào HTX, cách làm cho cây ra quả, cách chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn tuân theo một quy trình nên năng xuất cây trái cũng tăng lên. Đầu ra sản phẩm cũng dễ hơn vì có nhiều mối tiêu thụ hơn, khác với trước kia cứ mạnh ai người ấy bán nên thường bị thương lái ép giá”, anh Tế tâm sự.
Theo ông Lê Doanh Phúc, Phó Giám đốc HTX Bảo Minh, cái được nhất trong hoạt động HTX chính là đã thay đổi tập quán trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây, sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và tận dụng được đất đai và lao động địa phương.
Minh chứng là đến nay, HTX Bảo Minh đã có 36 ha đất nông nghiệp tập trung trồng nhãn ghép, cùng các loại cây ăn quả như bưởi diễn, bưởi da xanh, cam Vinh được chăm sóc hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAp. Các diện tích cây ăn quả này cho thu hoạch gối vụ quanh năm.
Nhờ thời tiết thuận lợi, năm 2019, hợp tác xã đã thu trên 300 tấn quả các loại, trừ chi phí hợp tác xã có tổng thu nhập gần 4 tỷ đồng, hàng năm tạo công ăn việc làm cho các thành viên của HTX và nhiều lao động địa phương. Ngoài thị trường các địa phương, hệ thống siêu thị trong nước, nhãn quả tươi của HTX còn được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch.
“Sản phẩm của HTX ngoài bán cho thương lái và các siêu thị trong nước còn có cho xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian tới, được sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX sẽ tiếp tục xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Australia và nhiều nước khác. Sản phẩm sản xuất đúng tiêu chuẩn nên rất dễ được các thị trường chấp nhận”, ông Phúc cho biết.
Đa dạng hóa loại hình HTX dịch vụ
Tương tự như HTX Bảo Minh, hoạt động củaHTX Nậm La (TP Sơn La) chuyên về lĩnh vực dịch vụ ăn uống, ẩm thực dân tộc và dệt may hàng thổ cẩm dân tộc Thái đã thu được thành công, khi có sự liên kết của 10 thành viên góp vốn, đất, cùng nhau tính toán làm ăn. Với việc đầu tư cơ sở nhà hàng mang đậm bản sắc văn hóa Thái, các món ăn ngon, giá cả phải chăng, phục vụ tận tình chu đáo nên quán bữa nào cũng đông khách.Bình quân mỗi năm đã có trên 40.000 lượt khách đến đây thưởng thức các món ăn, mua bán các sản phẩm thổ cẩm dân tộc do chính các chị xã viên của HTX dệt may.
Bà Cà Thị Thỏa, Giám đốc HTX Nậm La cho biết, yếu tố chất lượng sản phẩm rất quan trọng trong tất cả các khâu. “Để giữ được khách hàng, HTX luôn làm sao để các dịch vụ đảm bảo chất lượng. Cách phục vụ làm sao để hài lòng khách, các món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm thổ cẩm cũng phải phong phú”, bà Thỏa chia sẻ.
Dệt may các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Thái tại HTX Nậm La. |
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 625 HTX, 5 Liên hiệp HTX đang hoạt động với trên 31.000 thành viên, tổng số lao động làm việc thường xuyên khoảng 7.500 người, doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt 1,5 tỷ đồng... Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút được các hộ cùng góp vốn, đất đai, công sức hợp tác với nhau để tăng sức cạnh tranh mà kinh tế hộ riêng lẻ khó thực hiện.
Việc gắn kết các hộ trong môi trường HTX tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi có tới 54 chuỗi sản xuất của các HTX được xây dựng và duy trì hỗ trợ. Thành công trong phát triển kinh tế HTX ở tỉnh Sơn La là kết quả của việc triển khai các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và phát triển nông nghiệp hữu cơ; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn, còn những hạn chế yếu kém cần phải tiếp tục khắc phục, nhưng tỉnh Sơn La quyết tâm phấn đấu mục tiêu phát triển bền vững kinh tế HTX.
“Cái được lớn nhất trong kinh tế tập thể HTX chính là bà con biết hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền. Sơn La ngoài tiếp tục phát triển HTX nông nghiệp cũng sẽ phát triển các HTX dịch vụ, vận tải và một số dịch vụ khác để hỗ trợ cho các HTX sản xuất phát triển”, ông Phương nêu phương hướng./.
Các mô hình hợp tác xã dần được nâng chất, bám sát nhu cầu thị trường
Từ khóa: hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã dịch vụ, mô hình hợp tác xã ở sơn la, tiêu thụ sản phẩm nông sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN