“Kiến tạo tổng thể một nền công nghiệp bán dẫn Nhật - Việt.”

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Trong bối cảnh hiện nay, khi cả Việt Nam và Nhật Bản đều coi công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, đầy tiềm năng và không thể thiếu được trong tương lai, đồng thời, đều có những lợi thế riêng để có thể bổ trợ cho nhau, hai nước cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để chung sức phát triển công nghiệp bán dẫn, và chắc chắn sẽ có những thành tựu lớn trong tương lai

Đây là nhận định không chỉ của các chuyên gia kinh tế và các học giả, mà còn là nhận thức chung của giới chính trị Nhật Bản. Phóng viên VOV thường trú tại Tokyo, phỏng vấn Tiến sỹ - Hạ nghị sỹ Soramoto Seiki – một trong những nhân vật giữ vai trò hoạch định chính sách của Nhật Bản, về vấn đề này.

PV: Xin cám ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. Trước tiên, xin ông cho biết đánh giá của mình về cơ hội cũng như tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh công nghiệp bán dẫn!

Hạ nghị sỹ Soramoto: Hiện nay, Nhật Bản đang ở trong quá trình phát triển các sản phẩm bán dẫn thế hệ mới. Đây là cơ hội để Nhật Bản và Việt Nam bắt tay hợp tác cùng nghiên cứu phát triển kỹ thuật mới, cũng như trao đổi, chuyển giao các công nghệ liên quan mà mỗi bên đang có cho nhau, nhằm bổ trợ những thiếu hụt của mỗi bên. Đây sẽ là hướng phát triển mới, rất quan trọng đối với việc làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Việt Nam được đánh giá là đất nước có nguồn lực phát triển lớn và có trình độ công nghệ mới đang phát triển rất nhanh chóng. Vì thế, việc Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau nghiên cứu – phát triển công nghệ bán dẫn đang trở nên có ý nghĩa sâu sắc, mang lại lợi ích cho cả hai bên, không chỉ trong ngắn hạn mà cho cả trung và dài hạn. Điều quan trọng là, cả hai bên cần có một khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình này, càng sớm càng tốt.

PV: Theo ông, chất lượng nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam có đủ để đáp ứng yêu cầu hiện nay, cũng như quá trình hợp tác giữa hai bên tới đây hay không, thưa ông?

Hạ nghị sỹ Soramoto: Tới đây, sẽ có nhiều chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam và ngược lại, cũng sẽ có nhiều chuyên gia Việt Nam sang Nhật Bản để cùng chung sức nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức về công nghiệp bán dẫn. Tôi muốn nhấn mạnh, qua việc tiếp xúc với các kỹ sư Việt Nam, cũng như nghe đánh giá từ phía các cơ quan của Nhật Bản, có thể nói, các bạn Việt Nam có năng lực rất cao, có thể góp phần đưa công nghiệp bán dẫn của cả hai nước bứt phá trong tương lai gần. Do đó, việc tăng cường và làm sâu sắc thêm sự giao lưu giữa các chuyên gia 2 nước, như tôi vừa nêu, có một ý nghĩa quan trọng và sâu sắc. Sự giao lưu, phối hợp đó, nhằm cùng nhau, không chỉ thiết kế, chế tạo các sản phẩm bán dẫn, mà còn góp phần khai thác triệt để tính năng của chất bán dẫn, bổ trợ cho nhau trong cả khâu đảm bảo và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Và tôi đề xuất, chúng ta cần lấy việc hợp tác đào tào, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm xuất phát điểm để kiến tạo tổng thể một nền công nghiệp bán dẫn Nhật - Việt.

PV: Tới đây, Việt Nam và Nhật Bản cần làm gì để hợp tác chặt chẽ cũng như đặt nền móng cho quá trình chung tay, chung sức lâu dài trong công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

Hạ nghị sỹ Soramoto: Theo tôi, các khâu như thiết kế, chế tạo các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ liên quan đến chất bán dẫn, cùng các cách thức để ứng dụng những sản phẩm, giải pháp, dịch vụ này, cũng như khâu nghiên cứu để khai thác triệt để tính năng của chất bán dẫn là những đầu việc mà hai bên cần tiến hành đồng loạt, càng sớm càng tốt. Đây là điều rất quan trọng, vì như tôi đã nói ở trên, hiện nay, Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển các sản phẩm bán dẫn thế hệ mới, và đây sẽ là tiền đề quan trọng để hai nước sánh vai nhau đi tiếp. Thêm nữa, cần tạo một cơ chế để Nhật Bản và Việt Nam tiến bước, cùng nâng cao vị thế, để cùng thâm nhập thị trường và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chất bán dẫn của khu khu vực và thế giới. Với tư cách là một người tham gia hoạch định chính sách của Nhật Bản, tôi nghĩ đây là điều cần thiết và là nền tảng quan trọng cho hợp tác song phương, không chỉ trong lĩnh vực chất bán dẫn mà còn ở cả các lĩnh vực khác, và cá nhân tôi cũng sẽ có những bước để thúc đẩy quá trình này. Tôi tin rằng, hai bên chắc chắn sẽ có những thành tựu lớn trong tương lai gần.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Từ khóa: Việt Nam, Nhật Bản, công nghiệp, bán dẫn, Việt Nam, tiềm năng, nền công nghiệp,công nghiệp bán dẫn,nhật việt ,kiến tạo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov-tokyo

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan