Kiến nghị đề thi tốt nghiệp THPT 2021 cần có độ phân hóa cao hơn
Cập nhật: 25/03/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Ngày 25/03, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021. Đại diện các trường đại học đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng hiệu quả công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021.
Phần lớn các trường đại học vẫn dựa vào kết quả thi THPT để tuyển sinh
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là hơn 900 nghìn, trong đó có khoảng 650 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với khoảng 2,5 triệu nguyện vọng.
Kết quả có hơn 467 nghìn thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành. Trong đó có hơn 390 nghìn thí sinh trúng tuyển (sau khi lọc ảo) bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Con số này theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự tin cậy, hữu hiệu để các trường làm căn cứ để tuyển sinh.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2020 cũng thể hiện rõ sự phân tầng giữa các trường đại học. Hơn 65% số trường Đại học tuyển sinh đạt trên 70% chỉ tiêu, hơn 76% số trường tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu. Điều đáng quan tâm, những nhóm ngành mà nhu cầu nhân lực rất lớn như: Khoa học tự nhiên, Nông lâm thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, môi trường và Bảo vệ môi trường vẫn có tỉ lệ tuyển sinh thấp. Ví dụ ngành Khoa học tự nhiên tỷ lệ nhập học năm 2020 chỉ đạt 41%, Nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 43,9%...
“Điều này thể hiện vị thế cạnh tranh giữa các trường đại học trong việc thu hút thí sinh cũng như cả những lợi thế hay bất lợi trong các ngành đào tạo. Các trường cần phải có những chính sách cụ thể hơn để thu hút được thí sinh theo học những ngành học có tầm quan trọng trong xã hội.” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Nhìn lại công tác tuyển sinh năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, dù bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, thời gian tuyển sinh phải kéo dài song về cơ bản kết quả tuyển sinh đã đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng như các trường đã triệt để ứng dụng CNTT vào công tác tuyển sinh. Dự báo mùa tuyển sinh đại học năm 2021, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn là phương thức hữu hiệu để các trường làm căn cứ tuyển sinh.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT luôn đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tạo điều kiện tối đa cho thí sinh và nhận phần khó về phía mình.
Kiến nghị đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cần có sự phân hóa cao hơn
Dự kiến, mùa tuyển sinh đại học năm 2021 có một số điểm mới như thí sinh đăng kỳ xét tuyển bằng 1 trong 2 hình thức bằng phiếu hoặc trực tuyến, sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần…
Riêng quy định cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần không ít trường đại học cho rằng, quy định này là quá nhiều và không cần thiết, ảnh hưởng đến thời gian tuyển sinh của các trường.
“Chỉ cần cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 2 lần. Bởi nếu tính lần đầu tiên đăng ký thì thí sinh đã có 3 lần điều chỉnh nguyện vọng rồi.”- GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) nêu ý kiến.
Phó Hiệu trưởng Học viện tài chính Nguyễn Đào Tùng cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc lại quy định cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần. Bởi theo kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, càng cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần thì chính gia đình các em sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Thậm chí, có thí sinh còn không nhớ lần đầu mình đã đăng ký nguyện vọng vào những trường gì và thường chỉ nhớ nguyện vọng 1, 2 thôi. “3 lần điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng sẽ khiến công việc của các Sở GD-ĐT nặng hơn rất nhiều”. – Ông Nguyễn Đào Tùng băn khoăn.
Liên quan đến phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng, vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đề thi THPT năm 2020 kiến thức rất cơ bản. Năm 2021, tình hình dịch bệnh phần nào ít phức tạp hơn, học sinh đã đi học bình thường, có thời gian ôn tập nên Bộ GD&ĐT cân nhắc đề thi tốt nghiệp THPT 2021 có độ phân hóa tốt hơn để các trường thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.
GS.Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, mặc dù năm nay ĐHQG Hà Nội và một số trường đại học khác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực song kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một căn cứ quan trọng vừa giảm áp lực cho thí sinh, vừa giảm áp lực cho các trường. “Hiện nay nhiều trường vẫn căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như một điểm sàn chung về đảm bảo chất lượng”. - GS.Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ GD-ĐT vẫn khuyến khích, ủng hộ các trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển. Bộ cũng khuyến khích các trung tâm khảo thí độc lập hợp tác với nhau, xây dựng ngân hàng đề thi và thống nhất phương thức, chuẩn mực đề thi. Thậm chí hợp tác trong việc tổ chức chung đề, chung đợt, chung kết quả thi vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường nhưng cũng vừa mang lại hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực. Mục tiêu cuối cùng là tạo cơ hội và thuận lợi cho thí sinh.
Từ khóa: Tuyển sinh Đại học 2021, xét tuyển, nguyện vọng, đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2