Kiểm tra đánh giá học sinh, đừng "vẽ rắn thêm chân"

Cập nhật: 22/05/2021

[VOV2] - “Thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên thì mới đổi mới được giáo dục nói chung và kiểm tra đánh giá nói riêng”- TS Đặng Tự Ân.

 

Thông tư 26 “tam sao thất bản” không thể đổ lỗi cho giáo viên

Trước thông tin nhiều giáo viên phản ánh việc áp lực, quá tải khi đánh giá tổng kết năm học theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã hướng dẫn lại để hiểu đúng và thực hiện đúng thông tư này.

Khi nhận được công văn hướng dẫn thực hiện đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư 26 từ Sở Giáo dục và Đào tạo gửi về trường, cô Phương T, giáo viên của một trường THCS tại Hà Nội cho biết cô cảm thấy “nhẹ người” cho dù trường cô T dã hoàn thành hết hồ sơ học sinh, trong đó có việc nhận xét cho từng em.

Cô T phụ trách khoảng 3 lớp với hơn 150 học sinh. “Khi nhân số lượng học sinh trung bình mỗi lớp 50 em tôi đã phải viết hơn 500 đánh giá bằng nhận xét cho học sinh. Thực sự áp lực cho giáo viên. Dù thế nào thì việc nhận xét cho chừng đó học sinh cùng lúc sẽ chỉ theo cách để đối phó. Việc đánh giá bằng nhận xét được tập huấn, hướng dẫn từ các cấp trên. Vì vậy không thể đổ lỗi cho mỗi mình giáo viên hiểu chưa đúng về thông tư 26”- Cô T chia sẻ.

Nhận định về việc thông tư 26 khi triển khai xảy ra trình trạng “tam sao thất bản”, chuyên gia giáo dục TS. Đặng Tự Ân cho rằng nguyên nhân là giáo viên, đặc biệt cán bộ quản lí các trường có sự nhầm lẫn và việc tìm hiểu thông tư chưa đến nơi đến chốn. 

Theo TS. Đặng Tự Ân, Thông tư 26 thực ra là mở rộng từ việc đánh giá học sinh tiểu học bằng Thông tư 22 từ năm 2016. Thông tư 26 cũng là thông sửa đổi Thông tư 58 cách đây đã 10 năm. Tuy nhiên cùng lúc kết hợp cả hai văn bản của 2 thông tư lại để áp dụng đã gây khó khăn cho giáo viên.

Thêm vào đó, Thông tư còn mới, tròn 1 học kỳ lãnh đạo các trường và bản thân thầy cô chưa chuyển hóa kịp, chưa có tâm thế, cuối năm rồi mới vội vàng tìm hiểu lại và hiểu văn bản sơ sài nên dẫn đến tình trạng áp dụng hình thức, đối phó gây quá tải cho giáo viên.

Nên hiểu Thông tư 26 thế nào?

Thông tư 26 có nhiều điểm mới trong đó có việc tất cả các môn học đều đánh giá bằng việc ghi nhận xét. Điều này đòi hỏi giáo viên phải ghi chép nhận xét, đánh giá của mình một cách thường xuyên, liên tục trong suốt cả một năm học đối với một học sinh. Thực chất của công việc này theo ông Tự Ân là lưu lại những “chứng cứ” về quá trình hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tư liệu này dành riêng cho giáo viên chứ không phải ghi vào học bạ. Khi ghi vào học bạ chỉ ghi những thông tin cơ bản nhất thôi chứ không chuyển toàn bộ nội dung này sang. 

Trước kia là học tập cứ học tập, đánh giá sau. Quan điểm giờ là đánh giá đi cùng với hoạt động học tập và vì hoạt động học tập. Phải hiểu kiểm tra đánh giá là nhằm điều chỉnh quá trình dạy học, không phải là phân loại học sinh.

"Quan điểm giờ đã thay đổi, giờ việc phân loại học sinh không còn tồn tại mà đánh giá là để hỗ trợ điều chỉnh quá trình học. Học sinh đến trường là quá trình tiếp thu kiến thức và phát triển năng lực, vì vậy giáo viên phải điều chỉnh quá trình phát triển đó"- ông Ân nhấn mạnh.

 

Đổi mới kiểm tra đánh giá phải bắt đầu từ triết lý giáo dục

Thông tư 26 có nhiều ưu điểm: đã tiếp cận khá cụ thể về tăng cường đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh. Đây là định hướng quan trọng, gần như thể hiện triết lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới, nguyên lý cơ bản của NQ 29. Thông tư này cũng đơn giản hóa nhiều hoạt động đánh giá so với Thông tư 58 như bớt số bài kiểm tra định kỳ.

Từ việc này cho thấy phải thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên rồi thì mới đổi mới được giáo dục nói chung và kiểm tra đánh giá nói riêng.

Trước hết phải phân chia trách nhiệm rõ ràng, hoạt động đánh giá học sinh là hoạt động của cơ sở giáo dục. Chuyện này là chuyện của các trường và các giáo viên chứ không phải của quản lý cấp trên. Quản lý cấp trên chỉ kiểm tra giám sát. Người đứng đầu hiệu trưởng là đầu tầu, phải hiểu đổi mới như thế nào để hỗ trợ giáo viên.

Giáo viên trực tiếp nhận xét phải được coi trọng và tôn trọng. Tránh việc “vẽ rắn thêm chân”, đưa thêm những hoạt động nhận xét làm tăng áp lực cho giáo viên. Trên thực tế nhiều nơi mắc phải điều này.

Cần có bước đột phá trong xây dựng khung đánh giá mới

Theo TS Đặng Tự Ân, có 3 điểm cần chú ý để thời gian tới việc kiểm tra đánh giá không làm phức tạp lên nhưng cũng không đẩy lùi chất lượng giáo dục:

Thứ nhất, các thông tư 58, 26 và các nội dung liên quan đến kiểm tra đánh giá bao gồm cả dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến và điều lệ nhà trường nên tổng hợp ban hành thành một văn bản chung. Thời điểm ban hành tốt nhất là năm học 2022-2023 khi ta đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 6 và bắt đầu thay SGK cho lớp 10. Cũng là đủ thời gian sau 1,5 năm thực hiện thông tư 26. Một văn bản thống nhất vừa dễ cho công tác quản lý vừa dễ cho giáo viên sử dụng.

Thứ 2, các quy chế về kiểm tra đánh giá học sinh đã đổi mới hội nhập với các nước phát triển nhưng khung đánh giá vẫn của giai đoạn trước từ những năm 1980. “Cần có bước đột phá, xây dựng một khung đánh giá hoàn toàn mới phù hợp với sự đổi mới giáo dục. Theo hướng, Bộ GD&ĐT chỉ định hướng và ra quy định cụ thể về kiểm tra đánh giá cho học sinh cuối cấp, còn các lớp khác trong các cấp học thì nên giao quyền cho cơ sở giáo dục. Hoặc Bộ vẫn quan tâm đến đánh giá định kỳ và cả thường xuyên cho các lớp trong các cấp học nhưng phần đánh giá thường xuyên nên phân quyền nhiều hơn nữa cho các trường”- TS Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Thứ 3, công tác quản lý nhà trường nói chung và kiểm tra đánh giá nói riêng cần theo hướng đổi mới là quản trị nhà trường. Trong đó, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chung còn giáo viên được tự do sáng tạo trong quá trình đánh giá nhất là đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Vì đánh giá bằng nhận xét cần giáo viên có cái tâm, cái tầm và tài năng nhất định, đôi khi là nghệ thuật riêng của người giáo viên. Nên động viên cổ vũ để giáo viên họ được sáng tạo và phát huy hiệu quả của sự đổi mới.

Nghe chương trình phát thanh "Kiểm tra đánh giá học sinh, đừng vẽ rắn thêm chân" tại đây:

 

 

Từ khóa: thông tư 26, đánh giá học sinh, hướng dẫn thông tư 26, đánh giá, xếp loại, chuyên gia giáo dục, Đặng Tự Ân

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập