Khuyến khích hay bắt buộc sử dụng thiết bị giám sát trên xe?

Cập nhật: 10/10/2023

VOV.VN - Với đề xuất tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, sẽ có gần 4 triệu ôtô phải lắp đặt camera. Đây là một đề xuất có tác động lớn đến người dân về dữ liệu cá nhân cũng như chi phí lắp đặt, bảo trì...

Dự thảo lần 4 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy tham gia giao thông cần có "thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe...".

Thiết bị giám sát hành trình, được gắn trên xe, có thể lưu lại lộ trình xe đã di chuyển kèm theo nhiều thông tin khác như vận tốc, vị trí, trạng thái hoạt động của xe, sự thay đổi tài xế...

Còn các thiết bị thu thập thông tin, hình ảnh về hành trình của xe- camera hành trình có chức năng ghi lại hình ảnh, âm thanh trong và ngoài xe trong quá trình xe di chuyển hoặc đang đỗ.

Thông tin thu thập được từ hai dạng thiết bị này đều có thể được lưu trữ, phát sóng tới người có quyền truy cập.

Ở nước ta, camera hành trình là bắt buộc đối với các xe kinh doanh dịch vụ vận tải, với mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, hiện đại, thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ này, cũng như góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nghị định 10 của Chính phủ ban hành tháng 1/2020, trong đó yêu cầu lắp camera trên xe được nêu ở khoản 5 Điều 34, cụ thể như sau:

Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công- ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera và đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (đối với xe vận tải hành khách bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe ) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe phải đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.

Tuy nhiên do chưa có Trung tâm xử lý dữ liệu, hệ thống điều hành nên những thông tin từ dạng thiết bị này là “thông tin chết”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: hiện nay việc khai thác dữ liệu truyền về chưa được hiệu quả bởi khi có sự cố về tai nạn hoặc cần thiết thì cơ quan quản lý mới vào khai thác; còn phục vụ thường xuyên việc cảnh báo thì hầu như là không có.

Việc mở rộng thêm nhóm phương tiện cá nhân lắp đặt camera giám sát hành trình trong Dự thảo Luật lần này vì thế cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh lãng phí dữ liệu như những gì đang diễn ra đối với các loại hình ô tô kinh doanh vận tải.

“Đối tượng lắp là xe không kinh doanh vận tải, nếu chúng ta không truyền và không quản lý được dữ liệu trực tuyến thì thông tin thu nhận từ thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát không còn đủ độ chính xác, tính cập nhật, tính khách quan để chúng ta xử lý các vấn đề thuộc quản lý nhà nước” – ông Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm.

Nhiều chủ xe, lái xe đồng thuận với tính năng phụ trội phụ trội của camera hành trình cho công việc điều tra sai phạm, xử lý tranh chấp khi va chạm: “Với một hệ thống giao thông chưa được hoàn thiện ở Việt Nam mình thì sự mất an toàn trong tham gia giao thông là rất nhiều. Việc gây tranh cãi khi va chạm với nhau cũng xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy sử dụng camera giám sát hành trình chính là cách để chúng ta bảo vệ mình trước những tình huống cần chứng minh sự đúng hay sai của mỗi bên” – anh Nguyễn Văn Hạnh, ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, trong các dự thảo luật của Bộ Công an hay Bộ GTVT đều chưa có thông tin cụ thể về việc nếu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình cabin thì thông tin, hình ảnh có phải truyền về hệ thống quản lý của cơ quan chức năng hay không? Khi nào và cơ quan nào được phép yêu cầu truy xuất dữ liệu đó? Dữ liệu cá nhân được bảo mật ở mức độ nào?

Nhiều quốc gia trên thế giới như Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... chấp nhận camera hành trình nhưng không nước nào bắt buộc sử dụng thiết bị này. Đây hoàn toàn là quyền cá nhân của mỗi chủ xe.

Cần phải quy định rõ về việc xử lý dữ liệu cá nhân thu nhận được nếu không sẽ xung đột với các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quyền riêng tư là quan điểm của ông Nguyễn Văn Quyền.

Từ khóa: thiết bị giám sát trên xe, luật trật tự an toàn giao thông, ô tô phải lắp camera, camera hành trình, ô tô bắt buộc phải lắp camera hành trình

Thể loại: Ô tô - Xe máy

Tác giả: phạm trang/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan