Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc khiến nhiều ông lớn đau đầu
Cập nhật: 27/09/2021
VOV.VN - Nhiều nhà máy khác nhau tại Trung Quốc được ghi nhận là ngừng sản xuất do các quy định năng lượng mới từ chính quyền địa phương khiến các nhà sản xuất như Apple và Tesla phải đau đầu.
Hôm 26/9, một số nhà cung cấp chính của Apple, Tesla và nhiều công ty khác đã xác nhận phải ngừng sản xuất để giúp Trung Quốc đối phó với tình trạng thiếu điện trầm trọng. Các công ty gồm Yisheng Precision Industry, Xinxing Electronics và Unimicron Know-how Corp đều đã xác nhận rằng các công ty con của họ tại Trung Quốc đã phải ngừng sản xuất, dự kiến từ trưa 26/9 đến nửa đêm 30/9 để “điều chỉnh hoạt động theo các hạn chế năng lượng của chính quyền địa phương”.
Eson Precision Engineering, một công ty con của Foxconn, cho biết họ đã tạm ngừng sản xuất từ 26/9 đến 1/10 tại các cơ sở của mình ở Côn Sơn, Trung Quốc. Công ty nói “Công ty sẽ tận dụng hàng tồn kho để duy trì hoạt động trong khi việc sản xuất tạm dừng. Chúng tôi dự kiến sẽ sắp xếp sản xuất vào cuối tuần hoặc trong những ngày lễ sắp đến trong tháng tới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Trong khi đó, nhà cung cấp loa cho iPhone, Concraft Holding, cũng đã tạm ngừng sản xuất trong 5 ngày cho đến chiều 30/9 và cho biết sẽ sử dụng hàng tồn kho để hỗ trợ nhu cầu.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng tình trạng thiếu điện hiện nay ở Trung Quốc là do thiếu than và hoạt động siết chặt các yêu cầu về khí thải. Việc các nhà máy đóng cửa dự kiến sẽ gây nguy hiểm cho tính liên tục của chuỗi cung ứng trong mùa Giáng sinh đối với nhiều loại thiết bị điện tử, bao gồm cả iPhone 13 và các thiết bị khác. Theo các chuyên gia, việc ngừng sản xuất ở một số tỉnh của Trung Quốc có thể gây ra làn sóng chấn động khác cho chuỗi cung ứng ô tô và công nghệ toàn cầu, vốn phải chịu đủ khó khăn vì tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng thấy.
Trước đó, nhiều ông lớn ô tô và công nghệ toàn cầu đã phải đau đầu với tình trạng thiếu hụt chip do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như thiên tai xảy ra trong suốt năm 2020 và kéo dài đến tận năm 2021. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến tận năm 2022, và đây là lý do khiến nhiều thiết bị điện tử bắt đầu có dấu hiệu tăng giá./.
Từ khóa: chuỗi cung ứng, Apple, Tesla, thiếu hụt chip, khủng hoảng năng lượng
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN