VOV.VN - Là lực lượng không quân lớn số 1 thế giới, không quân Mỹ vẫn tiếp tục thay đổi tư duy để thích ứng với thực tiễn chiến trường mới. Cụ thể, họ đang tăng cường nghiên cứu và sử dụng UAV trong những bối cảnh khắc nghiệt và đa dạng hơn.
Các cuộc diễn tập gần đây cho thấy không quân Mỹ bắt đầu thay đổi tư duy tác chiến, theo hướng tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) một cách linh hoạt và phân tán lực lượng.
Quân đội Mỹ đang theo dõi sát sao xung đột Ukraine và rút ra từ đó những bài học bổ ích cho họ. Cuộc xung đột ấy đã chỉ cho Lầu Năm Góc thấy giá trị lớn của UAV cũng như mức độ khó khăn trong việc duy trì các thiết bị bay này và các loại máy bay khác trong một cuộc chiến quy ước trên diện rộng.
Quân đội Mỹ đang chuẩn bị trao cho UAV các nhiệm vụ mới trong tình huống nổ ra chiến tranh với một số cường quốc hàng đầu được xác định là đối thủ của họ. Trong các cuộc tập trận mùa hè 2023 vừa qua, các phi công Mỹ được huấn luyện tăng cường sử dụng UAV cho nhiều hoạt động tác chiến trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Diễn tập lối đánh mới
Trong một cuộc xung đột quy mô lớn với một đối thủ gần ngang cơ, các căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ cũng như những căn cứ của họ ở gần tiền tuyến sẽ có nguy cơ bị tấn công liên tục. Đáp lại thách thức đó, không quân Mỹ đang huấn luyện theo hướng phân tán lưc lượng và gây khó khăn cho đối phương trong việc nhắm bắn mục tiêu.
Hồi tháng 6 vừa qua, các trắc thủ Mỹ đã lần đầu tiên cho hạ cánh một UAV MQ-9 Reaper lên một đường băng đất, phô diễn khả năng của UAV này hoạt động trong các môi trường khắc nghiệt.
Trong cuộc diễn tập đó, máy bay MQ-9 đã thử nghiệm thành công một thiết bị dùng để mang đồ tiếp tế cho lục quân. Thiết bị này có thể không mang được quá nhiều thứ nhưng vẫn mang được “những vật phẩm thiết yếu đến những nơi đặc biệt khó khăn”.
Trong cuộc diễn tập Grand Warrior (“Đại chiến binh”) vào tháng 7, các phi công Mỹ lần đầu tiên dựa vào liên lạc vệ tinh để thực hiện chuyến bay MQ-9 Reaper bằng duy nhất một yếu tố kiểm soát bay. Họ được hỗ trợ bằng một hệ thống mang tên “Cất cánh và hạ cánh tự động”. Phương pháp mới này cho phép đơn vị điều khiển UAV nói trên giảm số lượng nhân sự và lượng thiết bị cần thiết, từ đó che giấu được hành tung tổng thể của mình trong tác chiến, từ đó giúp họ có thể rời xa các trung tâm chỉ huy chính và sử dụng các sân bay dã chiến ở nơi xa xôi hơn.
Các cuộc tập trận trên cho thấy không quân Mỹ có ý định sử dụng UAV cho một vai trò lớn hơn, trên một cự ly xa hơn và xuất kích từ nhiều loại hình căn cứ hơn. Việc này dựa trên cách tiếp cận mới, đó là hướng tới hoạt động tác chiến phân tán, bảo đảm các đơn vị không quân trở nên linh hoạt hơn, từ đó gây khó khăn cho đối phương trong truy tìm và tấn công.
Trong các cuộc tập trận theo hướng đó, các phi công Mỹ huấn luyện các khả năng đa dạng như là vũ trang và tiếp nhiên liệu tiền duyên (với các nội dung như tái bố trí máy bay ở các vị trí tiền duyên, di chuyển và lập các sân bay dã chiến tạm thời nếu các căn cứ không quân chủ chốt đã bị oanh tạc).
Hạ cánh máy bay tiêm kích và cường kích trên đường bộ hoặc đường cao tốc cũng là một phần trong chương trình huấn luyện này mà Mỹ và đồng minh đang tập trung vào, huy động nhiều loại máy bay bao gồm cả UAV.
VOV.VN - Nga hiện đã phát triển UAV với khả năng bảo vệ chính các trắc thủ điều khiển chúng trước đòn tập kích từ các UAV khác của Ukraine trong bối cảnh cả Kiev và Moscow đang leo thang "cuộc chiến UAV".
Tư duy tác chiến thay đổi
Quân đội Mỹ từng sử dụng các UAV như Reaper trên diện rộng trong các chiến dịch tiễu trừ khủng bố và chống nổi dậy ở Trung Đông và châu Phi nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy tác chiến hiện đại cần tới UAV thuộc đủ kích cỡ và chủng loại.
Nga và Ukraine đã sử dụng các hệ thống UAV cả quân sự lẫn dân sự qua chỉnh sửa để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, bao gồm trinh sát, tấn công và tác chiến điện tử. Mặc dù các binh sĩ Mỹ đã sử dụng các loại UAV lớn nhỏ trong nhiều năm, Lầu Năm Góc vẫn đang phải tích hợp thứ vũ khí này vào đội hình tác chiến của mình.
Đối với không quân Mỹ, việc họ tăng cường tập trung tích hợp UAV vào hoạt động tác chiến là một cột mốc lớn của quân chủng này vốn chỉ định hướng hoạt động quanh các phi công kể từ khi lực lương này được thành lập. Chẳng hạn, đã từ lâu phi công tiêm kích là nhóm có ảnh hưởng lớn trong không quân Mỹ. Trong số 22 tham mưu trưởng của không quân Mỹ, thì có tới 17 người trưởng thành từ nhóm phi công tiêm kích hoặc cường kích.
Do vậy, việc không quân Mỹ chú trọng đến máy bay không người lái cho thấy não trạng ban lãnh đạo quân chủng này đã thay đổi để thích ứng với thực tế chiến trường tương lai.
Từ khóa: không quân, tư duy tác chiến, uav, mỹ thay đổi tư duy tác chiến, không quân mỹ thay đổi tư duy tác chiến, mỹ chú trọng uav, tăng tính linh hoạt, phân tán lực lượng, máy bay không người lái, MQ-9, chiến tranh uav, cuộc chiến uav, sân bay dã chiến, sân bay đất