Không mua-bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối nhằm loại bỏ số liệu “ảo”
Cập nhật: 23/10/2024
VOV.VN - Việc bỏ quy định mua - bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối sẽ giúp các thương nhân tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ, để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước.
Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành, tạo sự đồng thuận của xã hội, Dự thảo Nghị định xác định rõ mục tiêu điều hành là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) sử dụng xăng dầu và DN kinh doanh xăng dầu, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Theo đó, tại Dự thảo Nghị định đưa ra công thức giá bán xăng dầu để DN tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để DN tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Dự thảo cũng quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Đặc biệt, Dự thảo lần này bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, quy định có thời gian làm thương nhân phân phối xăng dầu trong thời hạn ít nhất 36 tháng để thương nhân có kinh nghiệm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu… để kiểm soát cung cầu xăng dầu trên thị trường. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000m3, tấn xăng dầu/năm.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu. Ngoài ra, để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua - bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc mua - bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối còn gây khó cho Ngân hàng trong quản lý và kiểm soát dòng tiền trong lưu thông.
Dự thảo Nghị định bỏ quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu do qua rà soát, Luật Đầu tư không có quy định kinh doanh dịch vụ xăng dầu là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quy định hiện hành về dự trữ lưu thông chưa được rõ ràng, dẫn tới lúng túng trong thực hiện, do vậy Dự thảo Nghị định mới cũng đã quy định rõ ràng hơn về dự trữ lưu thông xăng dầu so với trước đây.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa trong sản xuất kinh doanh xăng dầu, Dự thảo nghị định mới còn bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Thương nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu cũng bỏ điều kiện quy định về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng dầu do trên thực tế, việc vận chuyển xăng dầu là công đoạn tất yếu khi DN đưa xăng dầu ra lưu thông. Đồng thời, DN cũng không cần cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đủ điều kiện. Các DN tự thỏa thuận việc sử dụng biển hiệu, thương hiệu với nhau và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Làm rõ hơn về quyền cũng như nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này đã xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu với 3 cấp (phân khúc): Thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; Thương nhân phân phối xăng dầu; Thương nhân bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, Dự thảo quy định cụ thể về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân ở từng phân khúc.
“Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi tham gia thị trường, các DN cần phải đáp ứng các điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc tham gia. Thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu, Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng bỏ quy định mua - bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, nhằm loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường”, bà Hiền nêu rõ.
Cũng theo bà Hiền, việc bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu sẽ giúp các thương nhân tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện, nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.
“Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua - bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn, ví dụ như làm thương nhân đầu mối”, bà Hiền giải thích.
Từ khóa: xăng dầu, xăng dầu,nghị định, dự thảo,thương nhân, phân phối
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN